Dấu chân thời thơ dại
Chuyện quá khứ thì phải bắt đầu từ hồi còn là trẻ con, hồi ấy là những bước chân chập chững, là thời gian non nớt nhất và cũng là lúc tâm hồn ta nhạy cảm nhất. Những dấu chân từ thủa ấy cũng in sâu nhất trong tâm trí của ta.
Có một lần bạn nằm cạnh ta, gối đầu lên tay ta và kể những câu chuyện rì rầm của ngày hôm trước. Ta nghe bạn kể và phụ họa bằng những tiếng cười cũng rì rầm như vậy. Công viên chiều tối với những làn gió nhẹ của mùa hè, bầu trời trong vắt và những tiếng nô đùa đầy sức sống của những đứa trẻ con đang hớn hở xung quanh ta, mùi hương của gió hòa cùng với hơi thở thơm tho của bạn, tất cả cảm giác ấy, âm thanh và hình ảnh ấy khiến cho tâm hồn ta tĩnh lặng, trong veo như hồ nước, yên bình mà ngọt ngào đến kỳ lạ.
Ta nói với bạn rằng không hiểu sao càng già đi thì ta càng thấy yêu trẻ con đến lạ, càng trìu mến hơn, càng có nhiều kiên nhẫn chơi với chúng hơn trước. Ta kể bạn nghe về một lần khi ta đang chuẩn bị bước vào thang máy, cửa mở và một cậu bé chạy từ trong ấy ra ôm chầm lấy ta, cậu khóc khàn cả giọng “chú ơi cứu cháu với, bà cháu đâu rồi?” Ta ôm lấy cậu mà tự nhiên thấy lòng mình ấm áp quá, cảm giác như mình đang là điểm tựa cho cậu. Lát sau chiếc thang máy còn lại mở ra, người bà xuất hiện cùng hai đứa cháu nhỏ nữa, bà xin lại cậu bé đang khóc ngất trong lòng ta. Hóa ra, cậu thấy thang máy mở nên vội đạp xe đi thẳng vào, bà và các em đi đằng sau chưa kịp đến thì thang máy đóng cửa, cậu hoảng sợ quá, khóc lạc cả giọng và bấu víu lấy người đầu tiên mà cậu nhìn thấy là ta. Đó là lần đầu tiên ta cảm giác được sự ấm áp của một linh hồn trong trẻo đối với mình, không rõ là của cậu bé kia cho ta hay là ta dành cho cậu nữa, có lẽ là cả hai cũng nên.
Lần ấy ta đã sắp bước vào tuổi ba mươi.
Ta lại nhớ một người cũng ở độ tuổi của ta lúc ấy và ta là cậu bé con kia. Cho đến tận bây giờ ta cũng không thể nào hiểu được người đàn ông mà ta gọi bằng dượng ấy lại ghét ta đến vậy, ghét đến mức có lẽ ông ta chỉ muốn giết chết ta mới thỏa. Lúc ấy ta mới chỉ là một cậu nhóc chưa đến mười tuổi thôi mà.
Tuổi thơ của tôi là những hình ảnh còn sót lại với những luống rau lang thơm mùi nhựa, những viên sỏi tròn tròn mà vàng ệch khi tôi tha thẩn chơi trên sân bệnh viện, những tiếng la hét khi bị nhốt ở nhà và những trận đòn không rõ lý do. Nói đến lý do, với một đứa trẻ thì có cần lý do không cơ chứ? Tôi vẫn băn khoăn rằng có phải hồi ấy tôi đã phạm phải những tội lỗi gì tày đình lắm, đáng giận lắm?
Khi tôi chưa có em, mẹ tôi thường làm việc cả ngày và hay đi trực tối ở bệnh viện. Hồi ấy mỗi nhà cách nhau một khoảng khá xa. Có lẽ không có người trông coi cho nên khi đi làm mẹ nhét tôi vào nhà và khóa cửa lại. Tôi sợ lắm cho nên tôi khóc, gào thét khàn cả giọng. Tôi còn nhớ rõ hồi ấy có một ngày chú tôi vào, khi đến nhà thấy tôi bám vào song sắt cửa sổ, nước mắt nước mũi tèm lem, chú kéo chiếc khăn mặt đang quàng trên vai mình xuống và lau mặt cho tôi. Tôi hồi ấy có biết chú là ai đâu mà cho đến bây giờ mỗi khi hồi tưởng lại tôi dường như vẫn còn ngửi thấy mùi mồ hôi mằn mặn từ chiếc khăn mặt đi từ Bắc vào Nam ấy.
Sau này tình trạng có khá hơn khi mà tôi tìm được một chiếc lỗ chó ở góc nhà, đây là nơi con Kiki mẹ dắt đàn Kiki con đi về mỗi tối. Đôi khi tôi chui qua chiếc lỗ ấy ra ngoài trèo dái mít hay nhặt những quả xoài non rụng đầy dưới gốc làm quà vặt, mỗi lần thế tôi cứ đứng trên cái dốc trước sân, nghểnh cổ lên nom xem nếu thấy bóng mẹ về ở xa xa thì tôi chui trở lại. Có lần mải chơi không để ý cho nên bị mẹ bắt được và tất nhiên một trận đòn là điều khó tránh khỏi.
Thời gian trôi qua chút nữa, tôi được theo mẹ đi trực cùng và những chiếc xilanh vứt đi từ bệnh viện, những viên sỏi đủ các hình dạng trên sân là thứ đồ chơi mà tôi và những đứa trẻ xóm chợ gần đấy ưa nhất. Chúng tôi rút thuốc từ những ống thuốc thừa vứt đi từ bệnh viện bằng xilanh cũ (cũng là đồ vứt đi) rồi bơm tất cả vào một gốc cây chuối và chờ đợi sự kỳ diệu xảy ra. Dĩ nhiên là chẳng có điều kỳ diệu gì xảy ra ở đây cả ngoại từ việc cây chuối héo rũ và bị thối từ dưới gốc thối lên.
Rồi tôi đi học, năm đầu tiên đến lớp, vì tôi sinh vào tháng 12, những đứa cùng tuổi với tôi lớn quá mà tôi lại nhỏ quá cho nên không được nhận vào học. Tôi về nhà, lại nhặt xoài non và trèo ổi, theo mẹ đi trực cho hết một năm, sang năm đi học cùng những bạn nhỏ tuổi hơn tôi … một tháng.
Từ đó là quãng thời gian để lại những dấu ấn nhiều nhất trong tôi, đi học có cái vui của đi học, ở nhà có cái buồn của ở nhà. Dượng tôi thì cứ vui hay buồn gì thì tôi chẳng biết nhưng cứ mỗi lần tâm trạng dượng không tốt là lại lôi tôi ra nện cho một trận.
Tôi tin là dượng biết võ vì dượng nói dượng đi bộ đội (mãi sau này tôi mới biết là đào ngũ), và đặc biệt dượng đánh tôi khác với má, má thì dùng roi còn dượng thì chỉ cần chân với tay, mỗi lần đánh xong dượng lại dặn “nói với má mày là tao đánh chết luôn”.
Một lần, cũng không nhớ rõ nguyên do vì sao tôi bị đánh, đánh thì tôi chạy và đa số là chạy không kịp. Lần ấy cũng vậy, tôi bị đạp một cái vào lưng lăn lông lốc từ trên dốc ngõ xuống đường, chân tay xước xát cả. Mẹ tôi đi trực về gặng hỏi vì sao lại thế? Tôi khai thật. Lần ấy mẹ tôi và dượng lao vào đánh nhau, cả xóm phải sang can ngăn, đánh xong tối hai người lại ngủ với nhau. Ngày hôm sau nữa tôi lại bị lôi ra nện vì cái tội “mách mẹ mày”. Lần này dượng thông minh hơn khi túm tóc tôi dúi vào cái lu nước trước nhà, vừa thỏa mãn cho dượng mà lại không để lại vết tích gì. Từ lần sau đều như vậy, nhưng chỉ sau lần thứ hai là tôi khôn hơn, lợi dụng lúc đi tắm hoặc không ai có nhà là tôi tập nín thở bằng cách úp mặt vào chậu nước cho quen vì vậy tôi thấy bị dìm nước vẫn nhẹ nhàng hơn là bị đánh ít ra là không đau đến khóc, chỉ bị sặc chút thôi. Và tôi cũng học được cách khóc giả, nếu không thế tôi khảng định là sẽ bị đánh nhiều hơn nữa, tôi cố làm ra vẻ sợ hãi cái việc dìm nước kia lắm, có như vậy những trận đòn ấy mới kết thúc nhanh được.
Một lần nữa, lần này tôi ngu cho nên khi bị đánh tôi đã chạy và nhận một cái đạp từ sau lưng. Lần này thì không lăn từ sân xuống đường vì mặt tôi vập phải viên đá trước hiên nhà và gẫy mất một nửa chiếc răng, chảy cả máu mồm vì bị rách môi trong. Về nhà mẹ tôi lại hỏi và hai người lại lao vào đánh nhau. Có lẽ lần ấy là lần đánh nhau to nhất mà tôi được chứng kiến. Mãi tận sau này, khi tôi về ở với nội, bà nội tôi thì ít khi nói chuyện về mẹ tôi nhưng mỗi lần nói bà lại nhắc chuyện cái răng vẫn còn cụt một nửa của tôi. Những lần ấy, bà chỉ lặp đi lặp lại một câu “tao hận lắm, chết tao cũng không hết hận”.
Lại trở về với quá khứ, từ bận ấy về sau tôi ít bị đòn hơn. Không biết là do dượng đổi tâm tính hay là do tôi khôn hơn. Tôi ít khi ở nhà mà không có mặt mẹ, mỗi khi phải ở nhà cùng dượng là tôi lại chạy đi lang thang đợi mẹ về, gọi khắp xóm mới dám mò về ăn cơm. Bà hàng xóm là đồng nghiệp với mẹ tôi, là người chứa chấp tôi trong những ngày ấy, bà cho tôi ăn và dặn “nếu thằng đó nó có đánh mày thì cứ chạy xuống đây”.
Một lần mẹ tôi đi tập huấn dưới tỉnh, tôi chỉ một bộ quần áo lem luốc dạt đến nhà dì tôi cách đó hơn hai cây số để “lánh nạn”. Tôi ấn tượng với lần ấy nhất vì bà ngoại tôi cũng đang ở nhà dì, bà tưởng tôi trốn nhà đi chơi cho nên bảo “nó mà bắt được mi thì nó giết”. Tôi không biết là bà bảo mẹ tôi hay dượng tôi nữa vì giọng miền Trung đặc sệt của bà rất khó nghe, tôi hỏi lại “cái gì cơ?” Bà phải lặp đi lặp lại mấy lần tôi mới nghe rõ, nghe xong tôi rụt cổ, ngồi đợi bà nướng khoai cho ăn. Hồi ấy tôi hỗn lắm, chẳng được dạy dỗ gì về nền nếp hay sự lễ phép, chẳng ai dạy tôi cho nên nói với bà tôi cũng nói trống không. Mẹ tôi và dượng tôi gọi nhau là mày tao, mẹ và dượng cũng gọi tôi và các em tôi là mày xưng tao, các em tôi và tôi thì cũng vậy. “Xới cho tao bát cơm” là câu mà tôi nghe nhiều nhất cũng là nhớ nhất đối với hai cô em gái cùng mẹ khác cha.
Có lẽ vì trong hoàn cảnh ấy cho nên trí nhớ của tôi về quãng thời gian này rõ ràng hơn bao giờ hết và không phủ nhận là tôi đã từng có những ý nghĩ tiêu cực từ rất sớm. Tôi trộm thuốc của mẹ tôi mỗi lần một ít, tất cả các loại to nhỏ lớn bé gom lại một bọc dấu dưới đáy tủ vì tôi xem phim thấy người ta uống thuốc quá liều để chết. Tôi dấu con dao rừng có chiếc vỏ như vỏ kiếm của dượng trong bụi tre bên hông nhà vì thấy người ta bảo là cắt cổ hay đâm vào ngực thì sẽ chết. Tôi thèm thuồng một chuyến đi xa cho nên có lần tôi bỏ một buổi chiều để đi sâu vào trong rừng. Tôi đi theo con đường mà những chiếc xe bò vàng chở gỗ từ rừng sâu hay đi qua, tôi nhớ rõ vì đi từ chiều cho nên khi khát quá tôi ghé miệng xuống một chiếc rãnh nước được tạo nên bởi vết bánh xe và uống ngon lành. May cho tôi là hôm ấy, khi trời đã xâm xẩm tối thì tôi gặp một người làng đang đi rẫy về. Tôi không nhớ rõ đấy là ai, chỉ biết là ông quát tôi đi đâu mà xa thế và bắt tôi về. Bữa ấy mẹ tôi đánh gẫy mấy cái roi tre, tôi không thể đi được vì chân sưng lên và đau quá khóc khàn cả giọng.
Nỗi thèm khát ấy thậm chí khiến cho tôi sãn sàng bấu víu lấy một người xa lạ. Hồi đấy có một người bạn của mẹ tôi đến chơi, chú có cái xe đạp cọc cạch và cái giọng nói rất vang. Chú hỏi đùa tôi khi có mặt mẹ: “thằng Tèo có muốn về với nội không?” Tôi tưởng thật đã đồng ý đi liền. Thậm chí quần áo, sách vở của tôi lúc nào cũng được gấp gọn trong chiếc thùng mỳ tôm nho nhỏ, chỉ cần một bước chân là tôi có thể biến mất. Chắc vì lỡ lời mà không ngờ tôi lại đồng ý cho nên chú đành chở tôi đi, dĩ nhiên là đi chơi thôi. Chú đèo tôi trên chiếc xe đạp cọc cạnh của mình đến nhà bà con của chú dưới thị xã rồi tối lại chở tôi về. Tôi cứ háo hức với chuyến đi ngắn ngủi ấy và thật sự buồn bã khi biết rằng mình đã bị lừa.
Có lẽ vì thèm khát một cuộc đi xa, một đường giải thoát cho nên khi chú tôi vào chơi, chú bảo với tôi rằng sẽ đưa tôi về nội, tôi khi ấy thì biết chú là ai đâu? Biết nội tôi là ai đâu? Nhưng chỉ cần chú bảo với tôi rằng “về đó sẽ không bị đánh nữa” là tôi đồng ý liền, bất chấp có thể bị lừa nữa. Dĩ nhiên là kế hoạch của chú không một ai biết, mẹ tôi không biết và dượng lại càng không. Vài hôm sau, hôm ấy là buổi sáng ngày thứ năm, tôi đi lao động ở trường, chỉ mang theo một chiếc chổi xương, chú đón tôi ở dọc đường, vứt chiếc chổi đi và đưa tôi lên xe đò, từ đó tôi về miền Bắc và thành người miền Bắc.
(còn tiếp)
Ảnh: internet