Đi qua một nhà mẫu giáo tư thục thấy cái biển, ngoài đề tên và trang trí những hoa văn đẹp mắt, hình ảnh dễ thương ra thì trên đó kèm theo một dòng chữ “có camera trực tuyến”. Tự dưng thấy buồn buồn.
Hồi trước quen với một cô bé làm nghề giáo viên mẫu giáo, lận ấy bé còn đương đi học. Hỏi bé học gì? Bé trả lời “em học nghề nuôi dạy hổ”. Ừ thì hổ, tưởng bé đùa hóa ra là trong lời nói bâng quơ ấy đã bao gồm cả một nụ cười nghe chừng cũng chua chát.
Thi thoảng đọc báo thấy đưa tin có vụ bạo hành trẻ em ở nhà trẻ nọ nhà trẻ kia. Rồi thì lại đọc được những dòng tâm sự đầy nước mắt của cô bé mới ra trường mà chuyện nghề đã thành một quyển tiểu thuyết võ hiệp với những màn hành hung của phụ huynh bởi những hiểu nhầm nho nhỏ.
Chẳng biết thời đại biến thiên, trẻ con khôn ra hay người lớn ngu đi? Hay con người ta chai sạn cái gọi là “lễ nghĩa, đạo đức” – vốn chẳng ăn được – mà lựa chọn những thứ khác thiết thực hơn. Đồng ý không có tiền thì không có cơm ăn nhưng ăn ra làm sao lại là phạm trù của văn hóa mà văn hóa lại không mua được bằng tiền. Ăn như thú cũng là ăn đấy thôi.
Cô bé mới vào nghề, ngày đi thực tập đầu tiên, cậu choắt con mới đi mẫu giáo được ít hôm đã giơ nắm tay chỉ vào mặt cô và nói “bố con làm công an đấy nhé”. Nghe bé kể lại mà thấy thương thương, thương cho bé mà cũng thương cho cậu nhóc kia. Điều gì đã khiến cho cậu có thể có những hành xử như vậy được nhỉ? Người cha làm công an của cậu bận việc nước quá mà không dạy được hay người mẹ của cậu cũng đã từng có những hành xử tương tự khiến cho cậu bắt chước?
Người lớn bây giờ muốn nuôi những đứa trẻ con lớn lên thành những con hổ. Nhưng thành hổ để ăn thịt ai? Đồng loại hay những con không thành hổ, những con mèo yếu ớt khác?
Lại nhớ đến thời ấu thơ của mình. Nhà mẫu giáo thì cứ mưa là ngói rơi lã chã, cô giáo chỉ có một công cụ hành nghề duy nhất đó là chiếc lúc lắc mà có những hôm mẹ đến đón những đứa trẻ ở đấy lại chẳng muốn về. Có đận, lũ trẻ con phát hiện ra chiếc bàn dài để đồ ở cuối lớp đã gẫy hai cái chân. Cô giáo bỏ những thứ lặt vặt ra chỗ khác và rồi cái bàn hỏng biến thành cái cầu tượt. Tôi không thích tượt nên hì hục trèo lên bàn – chỗ mỏm cao nhất rồi… nhảy xuống.
Cú nhảy ấy để lại di chứng cho đến tận giờ, mỗi lần trời trở gió là đầu gối tôi lại bị tê buốt. Lần ấy tôi ngã dí một chỗ, không đứng dậy được. Cô giáo phải giải tán lớp sớm đặng cho tôi nằm bẹp trên chiếc xe đạp cọc cạch rồi chở tôi về nhà của cô. Hồi ấy tôi bé lắm! Vậy mà vẫn nhớ việc cô bóp thuốc cho tôi đau thấu trời, kêu gào thảm thiết. Đến mức mấy người hàng xóm cũng chạy qua xem có chuyện gì hay không? Cô bóp thuốc cho tôi cũng chẳng phải thuốc tây thuốc tàu gì mà chỉ là thuốc lá của một thầy lang nào đó, nghe nói rất hiệu nghiệm. Công nhận là hiệu nghiệm thật, chiều ấy mẹ tôi hay tin đến đón thì tôi đã ngồi dậy ăn bánh rán và cà nhắc đi lại được. Hay bánh rán có công hiệu chữa thương nhỉ? Biết đâu đấy?
Tôi còn nhớ hôm ấy mẹ tôi đến, bà nói chuyện với cô giáo rất vui vẻ rồi còn dặn cô: “nó mà nghịch cô cứ đánh nó cho tôi”. Tôi thì sợ đòn nên sau đó cũng dè chừng lắm chẳng dám lỉnh đi chơi (thực ra là chân đau không chạy được nhanh).
Lúc về tôi đã tự đi được, khi qua một cái rãnh nước mẹ tôi bế nhấc tôi sang. Có lẽ đấy là những lần hiếm hoi bà bế tôi khi tôi đã bắt đầu hiểu chuyện. Và tôi vẫn còn nhớ những cảm giác ấy.
Tự nhiên trí nhớ lại lạc về với thời xa xưa. Nhưng có sao đâu nhỉ? Thời ấy cũng đúng là thời thần tiên thật, chân trần quần cộc, đuổi dế bắt sâu… Có hôm chơi bẩn quá, cô giáo phải múc nước tắm cho từng đứa một. Tôi lại nhớ đến cái sân giếng đầy những rêu, những đá ấy. Và nhớ cái miệng giếng được bưng bít bằng vài tấm ván gỗ đen đuống, mục nát nhưng nước bên dưới lại trong đến mức tôi nhìn thấy tròng mắt đen thui, ngơ ngác của mình ở đấy.
Những đứa trẻ lớn lên ở cái nhà mẫu giáo ấy hầu như chẳng đứa nào có thể thành hổ được. Bố mẹ chúng đến từ mọi nơi, nói đủ thứ giọng và chúng cũng là thành phần hội tụ đủ cả các dân tộc anh em trong một lớp. Đất ấy, ngôi trường như ấy chỉ có thể đào tạo nên những chú mèo nho nhỏ như tôi, hay rung rinh đa sự trước những điều chẳng liên quan đến mình.
Và tôi lại nghĩ đến những con hổ trong tương lai. Có lẽ xã hội cần có những đứa trẻ sẽ là hổ ấy thì mới có đủ sức mạnh mà sống sót được. Xã hội cần, mà chúng cũng cần. Chỉ có điều thức ăn cho hổ là thịt mà thịt thì không tự nhiên mọc được như cỏ.
Ngố Tiên Write