Suy cho cùng thì ngôn ngữ cũng chỉ là một loại công cụ dùng để giao tiếp. Và đã là công cụ thì người ta chỉ quan tâm đến khả năng hoàn thành công việc của nó. Tức là nói sao thì nói miễn sao có thể biết đang “nói cái gì” và đang “nghe cái gì” được với người khác. Như vậy ngôn ngữ đã hoàn thành chức năng của nó. Người ta nói sao đó là tùy vào cái mồm của họ miễn sao bạn biết họ đang nói gì và khi bạn nói người ta cũng hiểu bạn muốn diễn đạt điều gì. Đơn giản vậy thôi chứ sân si làm gì mà khẩu nghiệp.
Cũng giống như cám heo, nó có chức năng là “thức ăn”, tôi đảm bảo với bạn rằng bạn ăn cám heo vẫn no bụng, vẫn có năng lượng và dĩ nhiên vẫn sống được bình thường. Nhưng sao bạn lại chỉ ăn cơm? Chỉ ăn các món cao lương mĩ vị, chỉ ăn các món càng ngon lành càng tốt mà không chọn cám heo trong khi cám heo cũng là thức ăn, cũng có các chức năng duy trì sự tồn tại giống như các loại thức ăn khác?
“Người khôn tiếng nói cũng khôn” (trích lời cụ Ngố).
Khi con chim nào đó cất tiếng hót hay, người ta sẽ nói rằng con chim này “hay”, cái hay ở đây không phải là bởi ngoại hình của nó. Cũng tương tự như vậy, khi một người nói điều gì đó, người ta sẽ đánh giá được kẻ ấy có “khôn” hay không? Không phải là do tiếng người ấy có lảnh lót hay không mà bởi những gì người ấy nói có “lọt tai” người nghe hay không?
Ngôn ngữ là hình thức giao tiếp phổ biến nhất của con người cho nên nó mang trong đấy rất nhiều những sắc thái khác nhau qua suốt chiều dài lịch sử. Người Trung Hoa có câu “mười dặm bất đồng âm” ý muốn nói rằng khi đi qua mười dặm thì âm thanh của tiếng nói đã khác. Ở Việt Nam thì cũng vậy, ngay trong một huyện, người ở đấy chỉ cần nghe giọng là có thể phân biệt được người xã này và người xã khác chỉ qua một vài chi tiết vô cùng nhỏ trong cách phát âm hoặc dùng từ. Sở dĩ tôi nói về điều này để nhấn mạnh rằng: ngôn ngữ nó vô cùng tinh tế và nhạy cảm. Trong đấy có thể ẩn hàm nhiều loại thông tin hơn là những gì nó được ghi lại bằng chữ viết. Nghe tiếng nói, cách nói, ngữ điệu nói, thần thái nói… người tinh tế có thể đánh giá khái quát được người nói có thực sự “khôn” hay không? Dĩ nhiên, cũng có những đối tượng hễ mở mồm ra là người ta chỉ muốn nó ngậm lại càng nhanh càng tốt.
Từ khi làn gió của phương Tây thổi vào xứ Việt thì ngôn ngữ người Việt vay mượn rất nhiều của phương Tây bởi lẽ “không biết nói bằng tiếng Việt như thế nào”. Và thế là chúng ta có một loại các cụm từ quen thuộc được Việt hóa như “cái tuốc năng”, “gác ba ga”, “gác đờ bu”, “cái bu gi”… Hàng trăm năm trước đã thế và đến bây giờ vẫn vậy bởi sự hội nhập càng lúc càng mạnh mẽ, các doanh nghiệp là nơi mà tiếng Anh và tiếng Việt va vào nhau đôm đốp nhất là trong lĩnh vực liên quan đến công nghệ, công nghệ thông tin… Nhưng tựu trung lại sở dĩ phải dùng các cụm từ nguyên bản tiếng Anh thường do trong hệ thống không biết phải thay thế nó bằng từ nào của tiếng Việt hoặc là do không tiện thay đổi. Còn lại các doanh nghiệp vẫn cứ hồi nhiên sử dụng các cụm từ như: “anh ấy là Team leader”, “em là junior”, “có một cái job / project mới”…. Thú thật đọc thì như kiểu đấm vào mồm còn nghe thì cứ như chọc vào tai.
Và cứ thế, nấu một nồi cơm với đủ các thứ từ gạo, bột, rau, thịt… chẳng thèm nêm nếm mà cứ thế ngoáy lên. Người thì nói đấy là “súp”, Tây nó ăn thế, SANG MỒM lắm. Còn “các cụ” thì chỉ biết nói hai từ “CÁM LỢN”.
……….
#ngotienwrite
Photo: Samlim