ADVERTISEMENT

Ngẫu hứng Trần Tiến 1
Anh Tiến kể chuyện Lập nghe...
NQL: Trong một lần trà dư tửu hậu, tui đã ra đề bài cho Trần Tiến, nói “Ngẫu hứng Trần Tiến”, đó, anh viết đi. Tưởng là anh viết nhạc, té ra anh viết văn xuôi. Cứ viết xong đoạn nào anh lại nhấc máy đọc cho nghe đoạn đó, đến nay đã được vài bốn đoạn. Những đoạn văn xuôi rất có hồn, bởi vì nó rất thật, càng thú vị hơn khi biết anh viết ra nó trong cơn say. Đúng như Dương Thu Hương đã từng khen sau khi đọc văn xuôi của anh, nói giời ơi, sao ông không viết văn lại mò đi viết nhạc.
Tui lần lượt đăng các mẩu “Ngẫu hứng Trần Tiến” của Trần Tiến, đến khi nào Trần Tiến không viết nữa thì thôi. Bản quyền của Trần Tiến, ai muốn đăng lại, cóp lại đều phải xin phép Trần Tiến.
Cái áo bông sột soạt em ạ, cái áo bông mẹ may cho anh mặc đến trường trong ngày mùa đông buốt giá, vừa đi vừa sột soạt. Anh là “cán sự” Văn hồi phổ thông, chả hiểu sao gọi là thế. Anh đi thu bài của bạn bè nộp cho thày, có thế thôi, gọi là cán sự. Hôm ấy đi khắp lớp, vừa đi vừa sột soạt, cả lớp cười bò, ngượng thật. Mẹ được lão bộ đội già tặng mẹ sấp vải lính, chắc hắn định “cưa” người mẹ nguyện suốt đời ở giá nuôi anh. Mẹ may cái vỏ áo bông mà không có bông. Trong đó mẹ nhét đầy báo Nhân dân, Hà nội mới. Chắc ngày ấy chỉ có 2 tờ thế thôi em giai nhỉ.
Cái áo bông sột soạt em ạ, cái áo bông mẹ may cho anh mặc đến trường trong ngày mùa đông buốt giá, vừa đi vừa sột soạt. Anh là “cán sự” Văn hồi phổ thông, chả hiểu sao gọi là thế. Anh đi thu bài của bạn bè nộp cho thày, có thế thôi, gọi là cán sự. Hôm ấy đi khắp lớp, vừa đi vừa sột soạt, cả lớp cười bò, ngượng thật. Mẹ được lão bộ đội già tặng mẹ sấp vải lính, chắc hắn định “cưa” người mẹ nguyện suốt đời ở giá nuôi anh. Mẹ may cái vỏ áo bông mà không có bông. Trong đó mẹ nhét đầy báo Nhân dân, Hà nội mới. Chắc ngày ấy chỉ có 2 tờ thế thôi em giai nhỉ.
Âm nhạc thời tuổi thơ, chả có dân ca, dân kẹo. Chỉ có chiêc áo bông vừa đi vừa sột soạt
Mẹ chắc thương anh nhất nhà, cũng chẳng hiểu vì sao, anh cả lấy roi đánh anh có một lần thôi, mẹ mắng hoài. Cả đời nuôi tám đứa con nên người, mẹ chưa bao giờ đánh con, chỉ có bố đánh mẹ thôi. Mà cũng chỉ có một lần anh nhìn thấy, nhưng nhớ hoài không quên. Sau này anh mới biết, chuyện đó là thường của thời ấy. Mẹ gọi anh: Cu đểnh đồi Nồng của mẹ đâu rồi.
Anh đi tìm mãi cái đồi Nồng tuổi thơ mà chẳng còn ai nhớ nó ở đâu nữa.
Mẹ anh mất, anh đang ở cuối nước, nơi có người Chà Và sinh sống. Những người Chà Và tìm cách đưa anh về sớm nhất để nhìn mẹ lần cuối…
Anh đi tìm mãi cái đồi Nồng tuổi thơ mà chẳng còn ai nhớ nó ở đâu nữa.
Mẹ anh mất, anh đang ở cuối nước, nơi có người Chà Và sinh sống. Những người Chà Và tìm cách đưa anh về sớm nhất để nhìn mẹ lần cuối…
“Mẹ ơi, sớm nay xuân về/ Mẹ trông ra ngoài hiên vắng/ Mẹ mong đứa con xa nhà/ Rồi mùa xuân, anh ấy sẽ về”.
Mẹ sinh ra anh trong cuộc chạy loạn năm 47, trong tiếng bom đạn xối xả trên ngọn đồi ấy. Bố giận Tây lắm, mới đặt tên con là Trần Việt Tiến. Mà anh thì chỉ là một nhạc sỹ quèn, chả được cái tích sự gì. Làm sao mà giúp nước… Tiến. Ôi dào…
Anh Hiếu kể : Bọn Tây đi càn bắt được nhà mình, em thì cứ khóc dằn dặt, thằng da đen chạy đến tát em một cái. Mẹ trợn trừng định đánh lại. Bố bảo im, không được làm thế. Bố tìm thằng quan ba gì đó, xì xồ tiếng Pháp, đại loại là: Nước Pháp văn minh mà đánh trẻ con à. Thằng da đen phải cúi đầu xin lỗi Trần Việt Tiến. Hí….
Em nhắc anh kể chuyện gì có tư tưởng ư.
Anh làm gì có tư tưởng. Tư tưởng của anh toàn là bọn lếu láo truyền cho. Mác-Lê không nói làm gì. Bọn Niết-sờ, Ca- mút sờ rồi Gôtama-sờ… thì hay đấy, nhưng họ lại là nguyên nhân của chiên tranh, bởi những thằng học trò, hoặc quá khích, hoặc lợi dụng.
Những ngày trẻ dại, anh em mình ngốc nhỉ. Lao vào chủ nghĩa “Tưởng bở ” như con thiêu thân. Thần tượng ngày ấy của anh là ai, em biết không. Paven Coọc-sa-ghin…Ha ha…
Vậy mà bây giờ anh lại cực đoan, không có thần tượng. Buồn cho thế giới không còn thần tượng. Họ đi chùa, sám hối, thậm chí mang bom thánh chiến, chắc cũng do… thói quen có tư tưởng.
À, anh có một thằng em, lủng lẳng trong quần. Mỗi lần anh nói chuyện nhạc nhiếc, phim phiếc, triết chiếc, tư tưởng tư tiếc là nó đi chơi chỗ khác em ạ. Đến giờ cần đến nó. Thật khổ.
Hoạ sỹ Lê Văn Hiệp yêu thằng em lãng mạn, môi giới cho một em, con bà Thái Thị Liên, vợ ông nhà thơ Đặng Đình Hưng. Năm ấy anh ngốc như chưa ai ngốc thế. Nàng tiễn anh lên đường đi Sầm Nưa, chiến khu của Lào. Anh viết bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu bài hát tặng nàng.
Mùa hè ấy, mặt trời như nóng bỏng hơn/ Cây cỏ như xanh tươi hơn….
Toàn bộ thi ca, nhạc nhẽo được gửi trở lại chân núi Phu-Khen.
Đêm đó là đêm diễn cho ông Suphanuvong và Đảng CS Lào. Anh mang thư của nàng (hiếm lắm mới chuyển được sang Lào,ngày đó) lên đỉnh núi, xé ra, hồi hộp mong tin nàng. Chẳng có gì, chỉ có thư của mình. Thằng ngu…..
Đêm đó là đêm diễn cho ông Suphanuvong và Đảng CS Lào. Anh mang thư của nàng (hiếm lắm mới chuyển được sang Lào,ngày đó) lên đỉnh núi, xé ra, hồi hộp mong tin nàng. Chẳng có gì, chỉ có thư của mình. Thằng ngu…..
Ông Đỗ Nhuận hoảng hốt đi tìm anh về hang biểu diễn.
Anh bước từ đỉnh núi xuống, và chưa bao giờ hát hay đến thế.
Đó là mối tình đầu của anh. Chuyện con gái Hoàng thân xin chính phủ Việt nam cưới anh không được là vì thế thôi. Cũng may. Làm nhạc sỹ thích hơn làm Phò mã.
Đó là mối tình đầu của anh. Chuyện con gái Hoàng thân xin chính phủ Việt nam cưới anh không được là vì thế thôi. Cũng may. Làm nhạc sỹ thích hơn làm Phò mã.
Có một lần, anh nhục như con chó.
Anh sốt rét ác tính. Đơn vị phải đi. Đường chín Nam Lào mà. Mặt trận mở ra rồi đóng lại, chỉ một vài hôm là chuyển đi. Anh bị người ta vứt xuống hố chôn. Có cậu y tá yêu nhạc anh, thương anh, nên không nỡ chôn. Trời chưa cho chết.
Không còn gì trên người. Anh cứ đi, đi không được thì bò, đuổi theo đơn vị. Đường giao liên mất dấu vì bom. Anh lạc vào rừng đầy bom nổ chậm, vậy mà không chết mới hay. Chuyện đó sau này, nơi anh bò đến xin cứu, họ mới nói anh hay.
Không còn gì trên người. Anh cứ đi, đi không được thì bò, đuổi theo đơn vị. Đường giao liên mất dấu vì bom. Anh lạc vào rừng đầy bom nổ chậm, vậy mà không chết mới hay. Chuyện đó sau này, nơi anh bò đến xin cứu, họ mới nói anh hay.
Bò đến được ánh đèn rất xa, nơi có con người. Té ra một trạm dây trần của lính ta. Anh gục xuống và thiếp đi. Không biết bao lâu tỉnh dậy, thấy mình vẫn nằm trước cửa hầm. Lính tưởng mình thám báo VNCH không cứu. Xác chết sống lại, làm gì có giấy tờ.
Lính tra khảo. Mình đành khai báo: “Anh là Trần Tiến, tác giả bài ca Thanh niên ra tiền tuyên đây. Họ còn không tin, bắt hát… “Chết mẹ. Trần Tiến thật”. Sau này, cũng lại họ kể lại, vì cha ấy có giọng trầm trầm… mới tin và mới cứu.
Thế là, sau này, anh càng già, giọng càng như gà thiến. Anh phải cố giả giọng trầm trầm để có người đãi rượu đấy. Hè hè…
Ngẫu hứng Trần Tiến 2
Anh Tiến kể chuyện Lập nghe…
Anh nấu phở được lắm, em ạ. Ngày nào bảo vợ rủ bạn bè, anh dạy cho. Có ngày anh lừa được 3800 USD tiền dạy nấu phở đấy.
Nhà anh to thế, bị chính phủ ngày mới giải phóng Thủ đô, bắt nhường lại ( tất nhiên không có giấy tờ gì). Đã thế, mẹ anh phải giặt giũ giường chiếu, chăn màn cho cái nhà trọ phố ga của chính phủ, chính là nhà mình. Đau đớn. Anh còn bé phải xuống giặt giúp mẹ trong cái nắng thiêu đốt của ngày giải phóng. Anh không sao quên lũ rệp. Rệp từ giường leo vào người, vào bàn tủ chăn chiếu, làm thủ đô trong gối, lại còn hãnh diện leo lên trần nhà nhìn xuống. Coi mẹ con anh, nhà tư sản đếm trên đầu ngón tay của Hà thành ngày bình yên….. như rác.
Rồi một ngày mẹ anh bị “chuyển công tác “. Đi rửa bát cho một hàng phở.
Tât nhiên anh thương mẹ, đi rửa bát giúp mẹ.
Thằng cửa hàng trưởng còn bắt anh nắm than, rửa thùng phở to đùng. Hồi đó anh mê hát. Cứ rúc trong thùng phở to đùng nghêu ngao những bài ca cách mạng…(Nhưng tất nhiên là của Nga la tư). Anh đang học lớp 9 phổ thông mà.
Mỗi sớm, thợ được nhà nước tặng một tô phở “không người lái”. Ông phụ trách chuyên môn, tức người nấu phở chính, thấy kỳ kỳ, ai cũng tô phở “không người lái”, mà khi ông đùa, lấy đũa lật lên….toàn thịt.
Là người gốc Phúc Kiến lang bạt kỳ hồ về xứ Giao Chỉ. Dân nấu phở toàn từ Giao Cù Nam định lên Kẻ Chợ hành nghề. Làng ông chỉ có họ Cồ. Ông giỏi nhất, trong đám phở gánh nổi tiếng Hà Thành tên Cồ Cử.
Ông Cồ Cử chú ý quan sát thấy tô phở “chính phủ cho” của anh giai em chỉ là phở ” chân chính”, không có đoạn ” ăn cắp”. Thế là, không biết sao, bốn đứa con thì không truyền bí quyết nấu phở, chỉ truyền cho kẻ lơ ngơ như anh.
Chỉ hai năm sau anh đã là ca sỹ khá nổi tiếng. Một hôm máu lên, anh tìm cách mời cả Công ty ăn uống Hoàn Kiếm đi xem anh hát. Ông Cồ Cử hồn nhiên đứng dậy giữa rạp.
-Ê , thằng Tiến rửa bát nhà minh kìa. Hay quá, con trai !
Thực ra đến giờ anh vẫn ân hận. Bí quyết nhà Cồ, chót giao nhầm cho kẻ ngu . Giá anh cứ nấu phở thì âm nhạc Việt nam vẫn tiến lên, có gì khác đâu.
Thời bao cấp đói chết mẹ. Anh Hiếu, chị Huyền đi hát phục vụ cách mạng xong đói quá, lại bò về nhà mẹ, sai thằng em đi bắt trộm chim bồ câu của ông bác để nấu cháo. Anh leo lên mái nhà ba lầu, thò tay không vậy mà cũng bắt được. Bây giờ nghĩ lại thấy anh hùng thật. Cả thời tuổi trẻ chả thấy nghệ thuật, triêt học, triêt cháo gì sất, chỉ thấy thèm ăn. Rủ thằng Lưu quang Vũ đi cướp tàu hoả chở xe đạp gì đó của Tàu viện trợ, à xe gì nhỉ….quên rồi. Xe Phượng Hoàng. Thằng Vũ hăm hở lắm. Kế hoạch nó bày ra cứ như cao bồi viễn tây. Hôm sau đến giờ hành sự, nó lại ha hả cười: Ai cũng biết ăn cướp thì làm gì có nhà thơ.
Rồi hai thằng lại bỏ hết đồng tiền cuối cùng nhờ thằng Hưng “đói” đi buôn giấy ảnh bỏ đi của bộ Quốc phòng. Giấy ảnh chả thấy đâu, Thằng Hưng “đói” bị truy nã. Sau này, trung tướng Hữu Ước kể lại, ngày ấy vì làm đàn em các anh, loong toong mang dùm giấy ảnh mà phải đi tù 2 năm. Chả biết có đúng không.
Cuộc cãi vã đáng để ý nhât là đối đầu triết học với anh Sơn và Duật. Tất nhiên là hai buổi riêng. Duật điên quá kêu người bỏ tù anh ở ngay nhà Trọng Khôi. Còn anh Sơn chỉ cười cười. Biết mình thua thằng con nít nên anh không chấp. Anh bảo anh Sơn cần phải nghiên cứu giao hưởng, và viết cái gì đó lớn hơn. Anh Sơn bảo: “Chịu khó học thì cũng viêt được. Nhưng chưa chắc một bản giao hưởng tồi lại có thể giá trị hơn một câu hò hay.”Anh ấy nói có lý .
Ngẫu hứng Trần Tiến 3
Anh Tiến kể chuyện Lập nghe….
Vũng Tàu sáng nay gió lớn quá, sóng bạc. Người ta cứ vu cho biển, nào đẹp dịu dàng như cô gái, nào khó tính như một bà già. Mấy anh “nghệ” thì rắc rối nhất, mượn biển nói đủ chuyện mộng mơ như chích choè cái. Nhưng anh Sơn thì đàn ông hơn. Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi/ Tôi xô biển lại, sóng về đâu..
Anh chỉ mong viết được như anh Sơn, vậy mà có lần anh ấy nói, chỉ mong viết được bài ” Bằng lòng đi em về với quê anh …” của Tiến. Chả biết anh ấy nói có thật không. Bọn ta như lũ leo núi. Thằng này ghen với thằng kia. Mà ngọn núi thì vẫn thế, chẳng bao giờ quan tâm đến cao thấp. Mà biển kia cũng vậy, chẳng bao giờ quan tâm mình xấu đẹp hay bạc bẽo.
Thực ra, chúng ta còn “trần gian” lắm. Mấy chục triệu năm nay chúng ta đã đánh mất con mắt thứ ba tuyệt vời. Cái tai thứ ba thính hơn tai chó.
Ngày anh ở rừng, trong cơn sốt rét mê mệt, có lần anh nghe được tiếng thì thầm ngoài vũ trụ, anh nhìn thấy màu núi rừng Trường sơn. Lạ lắm. Trước kia, anh có đọc đâu đó về chuyện này, tưởng là chuyện bịa. Ngẫm lại chính mình, làm sao có thể cõng trên lưng con bé múa to đùng của đoàn, nhảy vượt qua vách hào giao thông cao bằng đầu mình, chạy như điên vì sợ đạn bắn. Chuyện này, cả đoàn anh bây giờ còn nhắc. Chị Ngô Thị Tuyển hồi chiến tranh, chắc phải “xách dép”. Có những giây phút con người có sức mạnh, hoặc những khả năng ghê gớm. Trong sáng tác, anh em mình vẫn gọi là “thời khắc thăng hoa” vàng ngọc trời cho đấy.
Anh thường thấy người ta cay cú vì chuyện gì đó ghê gớm lắm mà trở nên người thành đạt. Hoặc nghèo đói, hoặc bị sỉ nhục, hoặc bị sét đánh nữa…Nhưng chắc chẳng có ai muốn được đói, được sỉ nhục, được bị sét đánh để viết được một tiểu thuyết hay, Lập nhỉ. Hè…
Vũng Tàu sáng nay thật dữ dội, anh có thể huyên thuyên hoài đủ chuyện giời ơi. Nhưng sẽ nhạt làm sao cái thứ văn chương chữ nghĩa của kẻ trần gian mắt thịt tai trâu. Giá mình tu để có được “huệ nhãn” nhìn được các em xinh tươi đẹp đến đâu, có được cái tai chó thần để nghe được khúc khải hoàn của những vì sao nâu lùn đang hát karaoke trên bầu trời. Nói vậy cho vui chứ mình ngu gì đổi mười năm còn lại để tập thiền, đi tu. Vớ vẩn. Nói như Trần Trọng Kim, hãy ở nơi “hình nhi hạ” vẫn vui hơn cõi trên nhiều. Thánh nhân thích đãi kẻ khù khờ, tai trâu. Thánh nhân chẳng bao giờ đãi Thánh nhân. Làm Thánh nhân khổ chết mẹ, em nhỉ.
Lập à.
Anh cứ mơ được viết văn như em. Hay tại vì lâu quá anh không có thời gian đọc văn nước ta, và nước chúng nó. Anh đọc văn em, ngồi cười một mình như thằng điên.
Nghệ thuật là hấp dẫn, chuyển tải gì tính sau. Thực ra có quan trọng quái gì đâu cái thứ văn chương chuyển tải. Ai cũng sáng tác nhạc và viết văn được cả thôi, Vì trời không phân công “công tác”thôi. Thằng Tạo viết ca khúc cũng dễ thương vậy. Ông Nguyễn Đình Thi viết nhạc, ông Văn Cao vẽ…Trời cho thì nhận.
Đừng nghĩ nhiều đến chuyển tải thông điệp. Chẳng có thông điệp nào mới cả. Nhưng sẽ rất mới nếu sống thật mình. Làm tình thì có gì là mới. Những ai yêu ta thật, dù chả biết kỹ thuật gì, vẫn cứ làm ta mê đi là sao. Nói ỡm nói ờ mà cứ sướng là sao.
-Anh ơi, nhìn này, nó là cây lúa đấy.
Chàng ồ lên, thế à. Thích nhỉ, cây lúa đẹp nhỉ.
Ha ha… tình yêu thì lúc nào cũng vui, dù chẳng có thông điệp gì mới.
Nhưng này, sao em lại đưa chuyện làm ăn của chúng ta vào Blog. Và cũng chẳng xin phép anh. Hư quá. Em cần biết gì đó về anh, thì anh kể chuyện lăng nhăng để em hiểu thêm được chút nào, hay chút ấy. Sao em lại tung lên chia sẻ với bạn bè.
Sáng nay thằng Tạo gọi điện khen anh viết hay. Ơ, văn chương mạt rồi hay sao mà em đưa cái thứ nhí nhố này lên, hả em?
Ngẫu hứng Trần Tiến 4
Sóng to, tàu lắc quá. Không biết trời có gọi anh đi sớm không nhỉ. Mấy cái tàu cánh ngầm cũ rích thằng em dại buôn về từ Ucraina, kiểu này nó dám rủ anh xuống đáy biển, viết tình ca cho các “mỹ nhân ngư” Vũng Tàu lắm.
Nhớ anh Sơn lần đầu được xuất ngoại sang Liên Xô về, cười như Liên Xô. Anh ấy được đi chiếc tàu này trên dòng Vonga (tất nhiên tàu mới sáng chế, oách lắm) kể lại mà thấy thèm. Anh bảo: Tiến đừng nóng . Rồi sẽ đến lượt em đi mút chỉ. Năm sau mình đi thật, nhưng đi lấm lét như buôn ma tuý, chỉ mong máy bay cất cánh, rồi đái một cái xuống thành phố và chửi thề.
Ngày đó anh đang bị công an truy lùng vì vụ ban nhạc Trắng đen mà. May nhờ bác Trần Độ lệnh vào Sài gòn giải thoát: ‘Trần Tiến không kích động bạo loạn. Trần Tiến kích động lòng yêu nước.” Thế là không những thoát nạn, còn được Nga mời tham gia cuộc marathon rock vì dân chủ, đi khắp liên bang diễn. Sướng.
Nước Nga thì kể cả đời không hết chuyện. Nhưng có hai chuyện nhớ nhất.
Anh đi diễn với ban nhạc Nga, sống luôn với họ gần sáu tháng. Tay trưởng nhóm khoái anh, gọi anh là “Vư- sơt -xky vùng nhiệt đới”. Một hôm anh ta đưa vợ đến, nói:
– Tối nay anh ngủ với cô ấy nhé.
Anh sững người, chả hiểu chuyện gì.
Anh ta nói nhỏ với anh:
– Anh mất vệ sinh lắm. Gần sáu tháng nay, tôi chưa thấy anh ngủ với đàn bà !!! ?
Chuyện thứ hai là lần đầu tiên anh được xem bảy em Tây cởi truồng nhảy múa trước mặt, lại còn cọ vú vào mũi anh. Chỉ có điều đã được dặn trước. Chớ có sờ soạng… Ăn đòn.
Vụ này lại do chính tổng thống tương lai của nước Nga Bô rít Yen xin mời mới sướng. Có gì đâu, ông ta khoái bài “Rock Đồng hồ ” của anh thôi.
… Nhưng mà, cái tàu này liệu có bị vỡ không nhỉ. Sóng đu lên cao, rồi rớt cái… thình, muốn vỡ cái bộ môi trường của anh…
Ui dao, cô gái nào đập đầu vào mình. Đau nhưng mà thơm, cái mùi thơm của mái tóc. Cô gái ngượng ngùng xin lỗi. Không sao. Chợt nghĩ, có gì thơm thì em cứ đập hết vào mặt anh đây.
Tàu vào đến sông rồi, chắc là thoát chết. À, sao mình lại sợ chết nhỉ. Sống thế chưa đủ sao. Có ai đó nói: “Sống không có gì mới. Chết cũng chẳng có gì mới hơn.” …..
Sống vẫn tốt hơn là chết chứ, mà ai bảo là không mới. Sáng ra bị một cú đập đầu đau điếng, nhưng mà thơm, thơm miễn phí, thế không mới sao, không lời sao?
Tàu cập bờ, cái cánh ngầm cũ nát lại đập vào vách cảng một cú nữa, rồi mới đứng yên. Dù sao cũng còn hơn đi bộ. Và dù sao cái má sưng của mình vẫn còn được lãi một chút : Mùi đàn bà.
Ngẫu hứng Trần Tiến 5
Hà nội ngày ấy, trước khi những đoàn quân tiến vào thủ đô, thật thanh bình. Phố vắng, người thưa. Loáng thoáng vài chiếc xe đạp, xích lô thư thả trên đường. Lâu lâu mới có tiếng xềnh xệch của chiếc mô-bi-lét xám, với chiếc mũ nồi che nghiêng mái tóc bạc của ông ký già nhà “giây thép “nào đó về hưu. Xế nổ, cả phố nhìn ngưỡng mộ, nhưng lại không thèm thuồng. Thèm thuồng chỉ có lũ bọn anh, nhìn hau háu vào chiếc chảo “lèng cố” của ông Tàu áo đen, đang rán những vuông bánh nhỏ thơm phức, dụ trẻ con trước cửa trường. Chịu, không thể nhớ được món đó tên là gì. Ngày giải phóng Thủ đô, anh mới lên bảy. Bây giờ, có ai nhớ được, anh xin lạy ba vái.
Lũ con trai đi học về. Đằng đằng. Tớ tớ. Khoác vai nhau đi trên đường, (bây giờ thì bị gọi là “pê đê ” ngay) khoái chơi xô-vê, đánh khăng, đánh đáo. Hoặc tranh nhau hé mắt qua cái lỗ của thùng chiếu bóng quay tay ngoài vỉa hè, xem phim Tắc-giăng. Sướng lắm.
Bọn con gái thì chỉ thích ô mai, sấu dầm. Bây giờ vẫn còn thích. Mấy trò chơi nhảy dây, ô ăn quan, xóc đũa chuyền bốn, chuyền ba của các em ngày xưa, chơi cho đến mồ hôi ướt đẫm tóc mai duyên dáng. Giờ biết kiếm đâu ra?
Ờ mà sao, mới tí tuổi mà bọn anh đã biết mê gái nhỉ. Con Xuyến bàn trên, sáu tuổi bằng mình, mà nó cũng đã biết liếc trộm. Mình xé vở lấy giấy dán râu để em cười, bị cô giáo cốc đầu.Thật dơ. Sau này em thành bà ngoại, mỗi lần thấy mình, lại lấy hai ngón tay bắt chéo làm râu. Lêu lêu.
Ở hồ Ha-le ngày ấy, bây giờ gọi là Thuyền Quang, có cái cầu đá. Gần cầu có cái cọc để người ta câu ốc. Đầu cọc lúc nào cũng có em chuồn chuồn ớt đậu. Cả bọn cứ đi học về là ra cầu xếp hàng… đái thi. Đái cho ướt đầu em chuồn chuồn đỏ mới thôi. Có mỗi một thằng làm được, nhưng em chuồn cũng chẳng thèm bay. Mãi đến năm lớp bảy thì bọn chuồn mới phải phát khiếp mà bay đi hết. Vì đám con trai đứa nào đứa nấy súng ống đã tốt lắm rồi.
Duy có một thằng đến ngày thôi học vẫn không bao giờ đái tới cái cọc. Sau này hình như nó làm nhà thơ với bài thơ nổi tiếng lắm. Bài “con chuồn đỏ ” gì đó…
EM VẪN NHƯ NGÀY XƯA
1. Biển chiều đầy sóng vỗ
chúng ta hát ca vui như trẻ thơ
bao năm dưới mái trường mộng mơ
ta như con sóng nô đùa
biển chiều đầy sóng vỗ
giấc mơ đã qua bao giờ, bao giờ
ai cách xa phai mờ nỗi nhớ
em vẫn như ngày xưa
2. Biển chiều đầy sóng vỗ
tóc em xõa bay mênh mang biển xa
em đã đến bên tôi hồn nhiên
đôi chân dỡn sóng xô
biển chiều đầy sóng vỗ
giấc mơ đã qua bao giờ, bao giờ
bao cách xa xóa nhòa năm tháng
em có quên chiều xưa
3.Bạn đừng quên nơi ấy
chúng ta sống bên nhau vui hồn nhiên
em trốn dưới bóng cây thần tiên
cho tôi ngơ ngác đi tìm
biển chiều đầy thương nhớ
giấc mơ đã qua bao giờ, bao giờ
xa mãi xa, cánh buồm xanh thắm
ôi giấc mơ tuổi thơ
Ngẫu hứng trần tiến 6:
Mường Then lại gọi là Mường Thanh. Đúng là bọn người Kinh dở hơi, chả biết gì, mới đọc chệch ra như thế, mới chui rúc trong đô thị, huênh hoang với cái văn minh đầy bệnh tật như thế.
Then là trời, nơi Người nhà Trời đáp xuống, bác Võ Nguyên đại thắng là vậy. Khẩu súng của Bác hợp với lòng Then, lòng trời.
Bọn người Kinh lại ngu thêm một lần nữa. Gái Thái bước ra từ hoa ban mà đến ở chơi với trần gian, đứa nào máu dê tưởng dễ chơi, làm một “choác” rồi “phắn”. Cả đời sẽ khốn nạn. Then phạt là cái chắc.
Vậy mà cái đất này cũng mường “thanh” thật. Khí của xứ nhà trời, có khác. Thể dục buổi sáng ở đây là nhất quả đất. Đi bộ nơi tiên cảnh, chẳng còn muốn về viết cho em nữa, Lập à.
Anh có ý mời những người bạn trên này về Hà Nội, về Sài Gòn chơi cho biết. Họ chỉ cười cười lịch thiệp. Cũng đúng thôi, đi cho biết, chứ dại gì ở nơi ngột ngạt, bẩn thỉu và lắm chuyện lừa đảo của người Kinh.
Lại nhớ kẻ chịu chơi Alecxi Zorba của Hi Lạp. Nếu hắn có phúc được đến đây, thế nào cũng sưu tầm ship gái hoa ban, ăn gạo nhà trời, uống rượu chít, rượu ong đất và ngụp lặn dưới dòng suối trong veo Nậm Rốm.
Ừ mà thôi, ở đâu quen đó. Uống rượu với người bản xứ thật thà và hiếu khách lắm lúc cũng thấy mệt. Cứ uống một chung rượu là một cái bắt tay, bắt tay xong là nắm xôi mời. Rõ ràng thấy người chuốc rượu vừa ở toa lét ra, chưa rửa tay. Chung rượu thì bé xíu, một chục chung mới bằng một tách uống trà dưới xuôi. Uống và rót, và bắt tay cả buổi, đâu có nói được với nhau câu gì. Hì…
Nói vậy cho vui, nhưng anh cũng thèm một mẩu đất nơi này lắm. Đưa vợ con lên lánh nạn hồng thuỷ. Đất Điện Biên cao ngót 500 mét cơ mà, nước dâng đâu tới.
Hai năm nữa thôi, một vệt sao chổi lướt qua bầu trời. Các nhà thơ chưa kịp mơ thì ngôi sao dừng lại, làm một mặt trời thứ hai, màu xanh dương.
“Âm dương nằm ngang, ngũ hành nằm dọc
Em chưa biết đọc, em nằm nghiêng
Em vẫn nằm nghiêng đón mặt trời xanh
Em đợi anh….”
( Bài hát Ra ngõ tụng kinh của anh)
Chưa kịp ngắm màu xanh dương huyền hoặc thì nước biển đã chạy ngược lên tận chân dãy Hi Mã Lạp Sơn. Đất nhà trời vẫn yên bình. Các nàng tiên lại chui từ hoa ban ra, cười cười, phạt bọn chơi gái xong dám quất ngựa truy phong.
Ca li pho nhia chìm trước, Nhật bản – Philipin chìm theo. Mình vẫn còn thời gian để phóng xe lên đây trốn con sóng hồng hoang.
Thôi đành, lại uống, lại rót, lại bắt tay. Thôi đành lại bắt tay, lại uống, lại rót.
Cái chung rượu thì bé xíu…
Ngẫu hứng Trần Tiến 7
Lập à!
Em nghĩ thế nào về văn chương chữ nghĩa, thi ca hò vè…?
Chả để làm gì, em ạ!
Từng đấy năm, sống chết đớn đau, rút xương, rút tủy vì nghề…
Chả để làm gì!…
Mẹ bảo: Xướng ca vô loài, con ơi!
Bây giờ, anh đã gần xấp xỉ cái tuổi lúc mẹ đi. Mới thấy mẹ anh nói đúng. Mình chả được cái tích sự gì…
Ngoài vườn có một bông hoa, không biết ra đời lúc nào sớm nay. Đẹp quá! Lại được chùm nắng đâu đó, xuyên qua vòm lá, đến gửi nàng một nụ hôn của mặt trời. Nàng rực rỡ hẳn lên. Cứ như có đạo diễn sắp đặt. Nàng đẹp quá!
Xướng ca vô loài ơi!
Nhiều lúc chẳng có việc gì, cũng chẳng cảm xúc rần rật, tâm hồn, tâm hiếc mẹ gì hết… Cứ vào trang giấy, trắng lạnh đến ghê người. Rồi soi mặt mình vào đó. Thế rồi con chữ ở đâu rủ nhau chạy về như rươi làm tình dưới mùa trăng mọc. Thế rồi, con triết, con đồ đứng đầy cả đấy, định lên mặt dạy đời, chửi đời…
Mình phải ngăn chúng lại. Đời mình chỉ được làm “sếp” duy nhất có lúc ấy thôi. Con chữ bay ra là cái mặt mình, đâu phải chuyện làm tình, chuyện dạy đời.
Thế rồi, sau khi vệ sinh sạch sẽ chữ nghĩa, sắp xếp kỹ càng cấu tứ, đọc lại, tự thấy mình hay, tự thấy nước mắt ở đâu bỗng trào ra như một kép cải lương tồi, tự thấy mình sướng…
Trời ban cho thôi! Sáng tạo là thế. Có gì ghê gớm lắm đâu? Mà cũng chẳng để làm gì. Vợ con vẫn đói thôi. Những thứ quà Trời cho ai biết mà mua. Thiên cơ bất khả lộ. Như bông hoa chợt nở sáng nay ngoài vườn. Bông hoa đãi người, mà người lại tìm hoa siêu thị. Nàng đi rồi…nắng thì đã tắt…
Xướng ca không để bán, thì vô loài là đúng thôi! Mẹ ơi…!
Chả nhẽ mẹ muốn con làm bác sỹ? Nhiều đứa bẩn lắm, dã man lắm.
Chả nhẽ mẹ muốn con đi buôn? Có được mấy kẻ giàu mà không lừa đảo, đẩy bạn hàng xuống vực?
Con làm thầy giáo ư? Thì cũng như bố thôi, có nuôi được mẹ đâu…
Hay con đi làm chính trị?… Hì…
Thôi, mẹ cứ để con làm xướng ca. Kiếm chẳng bao nhiêu, nhưng được cái, người ta trọng – nếu viết lách cho tử tế.
Anh em mình còn được cái thú khác của nghiệp cầm ca bạc bẽo này, mà ít người biết. Lập nhỉ?!
Viết chẳng để làm gì, nhưng mà… sướng.
Ngẫu hứng Trần Tiến 8
Tiến kể Lập nghe…
Văn chương là gì?
Cô Đào dạy anh: Văn là kể chuyện một cách nhân văn những điều ai cũng đã trải qua và sẽ trải qua, đã biết và sẽ biết.
Vì cô bảo, vòng đời ngắn lắm. Người trước nói với người sau điều mình biết. Thế thôi!
Nhưng Văn chỉ khác một điều: Ai là người kể chuyện mình nghe.
Thời ấu thơ, chỉ có mẹ là nhất.
Nhưng lớn lên, nhiều kẻ bốc phét, thậm chi lừa đảo, rồi thì cũng qua phút lừa mà biết.
Đó không phải là Văn.
Kẻ kể chuyện kiểu riêng, hấp dẫn ai đó. Sẽ được người đó gọi là nhà văn. Với điều kiện họ phải tin.
Đã có vài nhà văn anh trót đắm đuối, mê mẩn. Rồi một ngày, anh khinh như chó. Họ cũng chẳng có lỗi gì. Họ nói chuyện “Vãn”. Anh tưởng chuyện “Văn”. Mà nhất là nhiều người tưởng thế. Anh cũng chỉ là kẻ a dua, tưởng thế.
Người “Sè – gòn” thì nói: Dzậy, mà không phải dzậy.
Làm văn đã khó. Làm người khó biết bao! Văn giỏi mà dối trá, làm sao bằng Văn chả có gì, nhưng thật.
Có lẽ nên chăng… làm người trước khi làm “Nhà” này nọ!?
Ê, mà thật là gì?…
Là cái gì tưởng là thật.
Trước phòng anh, chị trồng cây nhiều lắm, để anh đỡ bị “xì-trét”. Ngày nào cũng có một cậu Chích choè đứng chích choè với bạn gái … (tất nhiên, cũng chích choè!)
Một ngày chẳng thấy chúng đâu. Anh nghi là chúng đi làm báo. Báo chích choè cho độc giả chích choè xem.
Bọn sẻ nâu ít nói và hình như, chưa có toà soạn…
Văn thật bán chẳng ai mua. Văn rởm bán chạy hơn, nhưng nếu tưởng bở, dễ lỗ. Văn tưởng là thật bán lai rai, doanh số vậy mà cao hơn.
Văn tưởng là thật mà đúng là thật, bán muôn đời. Trừ khi thế giới không cần đến báo giấy và báo điện tử.
Cách đây dăm triệu năm gì đó. Có nhà phát hành báo “Huệ nhãn”. Bài gửi đến, biên tập xong. Phát hành bằng con mắt thứ ba. Gửi tiền nhuận bút cũng bằng mắt. Chả biết có đúng không?…
Nhưng chuyện này thì anh biết: Anh đọc được báo chí bằng cách nhìn vào cái ruột thối của anh. Từ khi vào bệnh viện cấp cứu viêm phúc mạc vì ruột thối. Anh chẳng được đọc báo nữa.
Hì. Anh nói dzậy mà không phải. Đúng dzậy đó!
Ngẫu hứng Trần Tiến 9
Anh về quê thằng Thanh Thảo, anh thích nó vì thơ nó quay mặt vào tường mà viết. Tất nhiên nó đi chơi chán mới về nhà, quay mặt vào bên trong cõi lòng mình. Dân bói toán gọi thế là hướng nội. Anh nghe câu này từ ông anh Dương Tường lãng mạn nhất quả đất. Anh Dương Tường nói với anh: em là nhạc sỹ hướng ngoại. Em cứ ra sân khấu là khán giả sướng. Thế là em lại ngẫu hứng bịa tiếp cho khán giả sướng thêm. Em là người của công chúng. Thằng Thụ thì khác (Nhạc sỹ Dương Thụ, cũng là bạn của anh, cũng yêu mấy ông anh nhà văn Xuân Khánh, Châu Diên…) Nó hướng nội. Mãi vài năm sau anh mới hiểu lờ mờ.
Lại kể chuyện quê thằng Thanh Thảo. Anh nghe nói ở đây có ốc lồn. Nghe gai người, nhưng sướng. Cũng giống quê em gọi cháo hàu là cháo lồn ngâm, nghe tục bỏ mẹ. Nhưng mà thích nghe. Nghe rồi thích ăn. Ăn rồi thích ăn nữa.
Anh về ở Vũng Tàu toàn mời bạn ăn ốc “vú nàng”, cũng chẳng ngon gì mấy, người quê thấy giống cái gì thì gọi thế cho nhớ. Thằng em của Thanh Thảo dẫn anh đi, bảo các cô : – Ở đây có ốc… bướm không ? Các cô ngoài chợ quê không hiểu. Có bà đi chợ nhắc khéo. Các cô cười bảo:- Ốc lồn thì biểu ốc lồn, mắc chi mà bẻ queo vậy hả..
Nhớ lại một lần ngu.
Vì nể thằng em giám đốc truyền thông mà đi chấm “Bước nhảy hoàn vũ”. Các em ấy nhảy thế nào thì mình nói thế. Nhảy điệu latin thì phải nhìn mông, vú có nảy lửa không. Ngày hôm sau các comments xô vào phản ứng, dân truyền thông vớ được tin sốt dẻo, đổ dầu thêm cho lửa cháy bùng thành xì căng đan để mời khách và bán quảng cáo. Tự nhiên anh thấy mình lạc lõng giữa thế giới này, giữa những khán giả mình vẫn thân yêu hết lòng viết bài hát cho họ.
Nhưng rồi anh chợt hiểu ra điều mà lâu nay quen sống trong hào quang quên mất: Anh đã già rồi. Những khán giả yêu anh cũng già theo, hoặc đã về trước, nơi cõi vĩnh hằng bình yên. Anh vẫn còn ngồi đây tí tởn với “bước nhảy hoàn vũ”… Sao không hoàn vũ đi, nhạc sỹ hết thời ơi.
Thế giới này mình không quen. Con gái thì chỉ tự tin khi có băng vệ sinh Kotek. Đàn ông trở nên đích thực vì uống bia gì đó, đi xe gì đó. Trẻ con thì thông minh vì bú sữa gì đó. Ông Nguyễn Tuân bú sữa gì nhỉ. Ông Hoàng Cầm đi xe gì mà con gái chết mê chết mệt. Chả biết.
Cái thế giới này mình không quen. Nhiều lúc thấy cô đơn, nhấc máy gọi cho người tình nghe một tiếng dạ rỗng không, buồn tênh. Gọi cho thằng em Đỗ Trung Quân – em nghe -Anh Tiến đây -Vâng, em biết rồi. Có việc gì không anh. Ừ. Mình có việc gì đâu nhỉ. Nhớ anh Sơn ngày ấy chắc cũng buồn lắm, mới sáng sớm đã gọi cho mình. – em đây, có gì không anh. Anh ấy sẵng giọng – Còn việc chi nữa, lại ngồi uống, chừ còn việc chi nữa.
Thế giới của mình, anh Sơn cũng không quen.
Làm sao quen được với thế giới rỗi hơi, chát chít, com men com mít, gêm gêm ghit ghít. Uống nước ngọt mà thấy mình bay lên. Nói giọng a còng, và yêu cũng “còng”. Trai thì mất cu mà gái như có dái.Thế giới ngày xưa chìm xuống nước vì vật chả ra vật, toàn khủng long.Thế giới ngày nay chắc cũng sắp chìm vì người chả ra người, toàn thấy giống rô bốt bị lỗi. Anh có bi quan quá không hả Lập?
Ngẫu hứng Trần Tiến 10
Lâu lắm rồi, đêm qua nó lại hiện về.
– Sao mày ở thiên đàng mà vẫn mặc áo lính?
– Quen mất rồi Tiến ạ, mặc cái gì cũng thấy khó chịu, dù đẹp đến mấy cũng thấy thiếu cái gì đấy, à… mùi cỏ úa chẳng hạn.
– Ừ nhỉ, cái mùi ẩm mốc của rừng già, cái mùi hôi của thuốc lá Tà –ôi. Mùi mồ hôi và máu dính… ngày ấy.
Tỉnh dậy, nó lại đi rồi. Nhìn qua cửa sổ, có gì đó vừa bay đi như một vệt sao màu cỏ úa.
Năm 75 mình về, mang cho mẹ bao nhiêu quần áo đẹp kiểu các bà mợ quí phái trước 54. Chả bao giờ thấy mẹ mặc. Lúc nào mẹ cũng chỉ bận mấy cái áo cánh vải phin gì đó, thời bố còn sống, vá nhiều lắm rồi.
Mãi sau này mình mới hiểu lờ mờ. Bố mất. Mẹ bận áo đẹp cho ai.
Về Hà Nội, đôi khi thoáng bóng mấy lưng áo màu cỏ úa đi tập thể dục quanh hồ, đến gần thì y chang. Mấy người già cỡ tuổi mình cả. Quần áo đẹp, giờ rẻ bèo, sao những người đi qua cuộc chiến lại ít khi dùng nhỉ.
Sáng nay đi tập sớm về. Thấy chăn mền đã gấp ngăn nắp, đôi dép xếp cuối giường, hướng mũi ra ngoài như chỉ để chờ báo động là chạy. Nghĩ buồn cười cái thằng bạn lính cùng phòng. Bằng tuổi mình, mà thói quen vẫn giữ như ngày trong rừng.
-Lát nữa, khách sạn họ dọn cho, sao mày phải cẩn thận thế
– Quen mất rồi, Tiến ạ.
Lại thế! “quen mất rồi”… giật mình nhớ câu nói trên thiên đường đêm qua.
Thằng bạn “còn sống” ngồi lặng lẽ rót cho anh ly trà sớm, xuýt xoa, giá bây giờ có điếu thuốc lào Tiến nhỉ.
Nghe buồn chết mẹ.
Ôi, những ngôi sao màu cỏ úa quanh ta… Gía mà cuộc đời không mất niềm tin và tuột dốc thế này. Cuộc chiến ấy đẹp biết bao nhiêu.
Anh kiếm cho nó được cái điếu cày ở chỗ mấy cậu bảo vệ. Nó phả khói đầy phòng xong rồi chậm rãi kể như tụng kinh:
-Tao bị báo tử rồi đấy chứ. Không biết thế nào, tao lại không đi cùng đoàn xe ấy. Chắc là cãi nhau với xếp. Đoàn xe bị bom chết không còn một mống. Tao đi với đoàn xe sau. Sáu năm sau, đến ngày giải phóng mới trở về, rồi tao ở biệt Sài Gòn cho tới bây giờ. Cũng nghe nhà kể chuyện về giấy báo tử giống nhà mày nhận được. Anh Trần Hiếu chả khóc rống lên ở bộ văn hoá là gì.
-Rồi sao?
-Chỉ thương một thằng ngày ấy không biết tin, lập bàn thờ tao suốt 30 năm. Một ngày có cuộc gọi ở đâu đó:
– Có phải đây là số anh Kỳ không?
– Vâng tôi đây, ai đấy?
– Tiên sư bố nhà mày, rồi khóc rống lên.
-Tôi đây, ai đấy.
Lại nhiều tiếng của nhiều người nữa, rống lên.
-Tiên sư bố thằng Kỳ
Té ra đám bạn cũ ở Nam Định nó tưởng tao đã chết trong chuyến xe định mệnh ấy.
Ngày hôm sau tao bay ra ngay, nhìn thấy ảnh mình đã úa vàng trên bàn thờ nhà nó. Tao khóc, chúng nó lại khóc. Cả một đám mấy thằng già bạc tóc ngồi ôm nhau khóc, chẳng còn biết nói gì.
-…..
– Rồi chúng nó muốn rủ tao đi kiếm vài lon mừng ngày còn sống trở về. Nhưng chẳng thằng nào có tiền cả.
– Ôi, tiền tao đông như quân Nguyên đây. Chúng mình đến nhà hàng nào ngon nhất đi.
Cả bọn im lặng.Thằng bạn tao nói nhỏ:
-Bọn tao chưa bao giờ được bước vào nhà hàng, làm sao biết ở đâu ngon.
Năm đó 97, hay 98 gì đó. Nhìn những thằng bạn lính hốc hác nhớ thương mình, bao nhiêu năm sau hoà bình, vẫn hốc hác.Thế là đến lượt tao khóc. Rồi cả bọn lại ôm nhau khóc như trẻ con.
Lập à, khi đó anh chợt nhìn ra cửa sổ,
Thấy cay mắt.
Như có nhiều ngôi sao màu cỏ úa lang thang đâu đó, ngoài bầu trời.
Đi qua và ngoái đầu nhìn lại.
Ngẫu hứng Trần Tiến 11
Anh nhớ cuộc đời quá. Ngày ấy anh có anh Sơn, anh đã nhìn thấy Hoàng Cầm uống rượu từ xa, anh đã từng có một gia đình, bạn bè êm ấm. Anh đi rồi, tưởng cười được một nụ cười thiên thu, chẳng thấy thiên thu mẹ gì hết, chỉ thấy khát được sống lại. Nếu nhục như con chó, mà được sống, hình như anh cũng chịu đổi. Ở đây chán lắm em giai.
Tạo hoá đểu. Dụ khị cái thiên đường đểu. Không có đâu em, mỗi phút giây mình sướng, đấy là thiên đường.Tiên sư thằng nào bịa ra thiên đường.
Vũng Tàu hôm nay, vẫn thế, mà sao anh buồn thế. Hay anh đang chết. Anh nhớ cuộc đời quá. Cuộc đời dù gì thì cũng đẹp. Sống, là cái gì đẹp đẽ nhất.
Sóng cứ vỗ về, gió lẳng lơ “pê đê” anh. Ngoài xa có một thiếu nữ cởi truồng, đấy là anh tưởng tượng, tất nhiên, nhưng nếu có, em giai có thích không. Hì..
Cuộc đời là một bí mật. Thằng Cường đang ngồi với anh. Nó bảo, nếu làm đêm “Tứ quái” bọn mình, thì mày là thằng nhiều bài hát nhất. Mày có đủ tiền bạc,vợ đẹp, con khôn, tài năng, nhà cửa. Còn muốn gì nữa. Anh muốn gì em nhỉ.
Thằng bé ăn xin đến anh. Mắt nó lạnh giá, lì lợm.
Thằng chủ quán nhậu, dù nó yêu anh, nhưng nhìn khách nhậu cũng lỳ lợm như thằng ăn xin. Thằng xếp, to nhất vùng này, đang ngồi nhậu cùng anh, hát hay đến mê hồn, nó trọng anh lắm. Nhưng khi liếc qua người khác, anh cũng thấy có đôi mắt của thằng bé ăn xin. Ở thiên đường không có chuyện này, nhưng anh chỉ thích có chuyện này, anh mới được sống. Ở thiên đường buồn lắm.
Anh nhớ ngày vào “tiếp quản ” Sài Gòn. Một đêm lang thang. Bỗng nghe một câu hát đâu đó. “Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người”. Hoá ra một bạn xích lô. Hát xong, ngả đầu vào xe mình, ngủ, không biết trời đất. Ca khúc hay vậy ư. Trước khi vào đây, anh đang học viết nhạc giao hưởng, và thầy anh chỉ mong chờ anh thực hiện giấc mơ giao hưởng của thầy. Khúc hát của chàng xích lô hôm ấy là thiên đường của anh. Đó là bài ca của thiên đường em ạ. Làm gì có âm nhạc hay dở, tốt xấu, đúng sai. Chỉ có âm nhạc, lúc đó bạn thích, hay không thích mà thôi. Làm gì có ca khúc và giao hưởng. Chỉ có sướng, hay không sướng mà thôi.
Ở thiên đường chẳng có xích lô. Buồn lắm.
Nhưng ở đây cũng có cái hay.
TRỐNG RỖNG 3
Đôi khi ta muốn leo lên một vì sao ngồi uống rượu một mình
Đôi khi ta muốn ôm eo một nàng tiên không rắc rối lôi thôi
Đôi khi ta muốn lên chơi một ván cờ với Thượng Đế, thua cũng vui
Đôi khi… đôi khi thôi, ta muốn quên quê nhà, trái đất buồn
Đôi khi… đôi khi thôi, ta muốn quên con người, trái đất buồn
Rồi lại nhớ, bài ca đang hát có ai mua bao giờ
Rồi lại khóc, đàn con nheo nhóc có ai thương bao giờ
Rồi lại đi, lại đi…
Rồi lại uống, lại cụng ly với những người không ra gì
Rôi lại hát, bài ca nhảm nhí, những điều không ra gì
Rồi lại đi… lại đi
Đi theo dòng người không biết đi đâu
Bánh xe cà tàng quay trong hư không.
Ngẫu hứng Trần Tiến 12
Anh có hai quê Lập à.
Chẳng bao giờ anh hát nổi bài ca anh viết về quê mình. Cứ hát lại khóc.
Vô duyên thế. Anh sợ ai đó yêu anh mà đón anh bằng niềm hân hoan phát nhạc hai bài đó. Anh sợ quá khứ lắm. Người già thường quay lại trẻ nít, bắt đầu từ nước mắt. Rồi mới đến nụ cười ngày bé.
Ngày bé của Bố anh, ở một miền quê.
Những cánh đồng dài và những dòng sông rộng.
Phía bên kia dòng Hát Môn, hai bà Trưng “gieo mình”. Sau lưng, xa xa là chùa Thầy, nơi có ông nào đó một ngày lên Trời đánh cờ. Vui thì có vui, vậy mà ngày trở về quê hương lại cũng “gieo mình”. (Không còn gặp ai thân thuộc. Mấy trăm năm mới quay về. Bạn bè xưa đã nghìn trùng xa cách.Thì anh, mẹ !… cũng “gieo mình”, chứ còn gì nữa?)
Nơi quê anh, rải rác những dấu chân người Chàm Cổ. Các vị La Hán chùa Tây Phương bị “chôm” gần hết những bức tượng đẹp. Cũng may những vị không bán được mới quí.
Có một vị xấu nhất kể anh nghe:
“Tiến à, Tổ của con là một vị tướng của bà Bô- Bô đất Chàm. Cụ Lý Thường Kiệt không đánh được bà ấy, phải nhờ mưu bà Phường Chào, người xứ Quảng, mới thắng đấy. Có câu ca xưa “ Bô- bô sánh với Phường Chào, xem tôi với chị bên nào hiền hơn”.
Tổ của con là tù binh, bị Cụ Kiệt mang về nhốt ở xứ Đoài. Một ngày Người lang thang trong vùng cỏ hoang thấy có loài cua nhiều hình vẽ kỳ dị trên mai, ông mừng thầm và quyết định lấy mảnh đất này cắm dùi.”
Quê anh đấy, làng quê chỉ biết làm món nhậu với rượu mía: Nem Phùng nổi tiếng. Chả biết làm gì nên cứ nghèo mãi.
Mẹ anh dặn, nếu có mệnh hệ gì nhớ đưa mẹ về quê nội để mẹ nằm cạnh bố, nhưng phải quay đầu mẹ về hướng chùa Tổng.
Chùa Tổng cách mộ có vài trăm mét. Anh còn chưa bao giờ vào.
Một ngày ngồi trên xe với thằng Thanh Thảo. Nó bảo:
– Chắc mày người Chàm. Nhà thơ Quang Dũng cũng cao to như mày, cũng quê Phùng, mà lại viết bài thơ “nỗi nhớ quê” ở chính nơi mình sinh ra.
Quê “đéo” gì, ha ha! Thơ hay là vô thức. Ông ấy lộ ra nơi quê tổ gốc Chàm trong giây phút vô thức đấy.
Anh giật mình, một ngày ra Hà Nội, tức tốc tìm chùa Tổng của mẹ. Đúng là chùa Chàm.
Cụ già trong chùa bảo: Tổ mình ngày xưa bị một con hồ ly vùng Kinh Bắc mê hoặc, bỏ đất mà đi. Bà Tổ buồn, gieo mình xuống giếng.Từ đấy con gái làng có đôi mắt sắc và lạnh, buồn như lá rau răm (lại “gieo mình”. Chả biết có đúng không)
“À ơi. Hoa bay lên trời, cây chi ở lại
À ơi: Hoa cải lên trời,rau răm ở lại…chịu lời đắng cay”
( Trong bài hát Quê nhà)
Miền quê thứ hai, nơi tuổi thơ buồn của anh – Hà thành.
Anh lớn lên như con chó rách. Lang thang suốt ngày bên cống rãnh hè phố, mong tìm được hòn bi ve đứa trẻ nào đánh rơi, có khi nhặt được vài đồng xu ở nơi rãnh thối ấy.
Ngồi nhìn hàng giờ dòng nước bẩn lặng lờ trôi. Thoảng hoặc mẹ cho cục đá vôi thì sướng lắm, đặt xuống rãnh. Cục đá gặp nước, nở ra từ từ, rồi réo sôi thành ngọn núi trắng toát. Ngọn Phú Sĩ của tuổi thơ anh đấy, của khát khao dòng dõi tướng Chàm thất cơ lỡ vận đấy.
Lên bảy tuổi, bác ruột di cư vào Nam. Anh về Hàng Lọng ở (giờ là Lê Duẩn, cho đến một ngày anh cũng lại “Nam tiến”). Ngôi trường tuổi thơ xưa ở phố Sinh Từ. Bọn học trò trốn ra Quốc Tử Giám ăn trộm muỗm. Anh thì sợ lắm. Mẹ bảo bên kia hồ Giám có con yêu nữ thứ nhất Hà thành.
“Long thành có bốn yêu tinh
Con yêu hồ Giám, yêu đình Đồng Xuân
Yêu nằm giữa phố Hàng Cân
Con yêu gốc liễu trong sân chùa Tàu”
(Chùa Tàu chính là đền bà Kiệu, trước cửa đền Ngọc Sơn bây giờ đấy.Thảo nào nơi ấy vắng như chùa Bà Đanh.)
Anh hỏi mẹ: Yêu nữ là gì. Mẹ bảo: là những cô gái chết tức tưởi, không được hoá kiếp, lâu rồi thành tinh, Hồ ly đấy.
Mấy bà bán chè xanh bên đường bảo: đừng có bơi sang đảo nhé. Trường Sinh Từ, có đứa chết rồi đấy. Xác mang về không còn cu (!)
Quê hương thứ hai của anh, những người chết vì buồn như thế, người ta gọi là “gieo mình”. Người ta lập đền thờ.
Còn người con gái chết tức tưởi mà không được hoá kiếp, thì không.
Họ không chết. Họ sẽ thành Hồ ly tinh. Chẳng ai lập đền thờ.
Bây giờ anh không sợ nữa.Thậm chí có thể rất hay, một ngày nào đó gặp … hồ ly tinh.
NGẨU HỨNG SÔNG HỒNG
dục tang, cốc cách, cốc cách
bồng bềnh, bồng bềnh, bồng…
Tôi ôm con sáo bé bỏng của tôi
lang thang theo cha dọc bờ sông trắng xóa
một ngày mùa thu đưa cha qua sông
một ngày dòng sông đầy gió, đầy gió
ĐK: Gió, con sáo sang sông bạt gió
con sít thương ai, lội sông, lội sông tìm ai
chị Hai thương ai ra đứng đầu đình
chị Hai nghèo, chị Hai buồn
chị Hai điên, chị Hai khóc
chàng Trương Chi đi đâu
bỏ lại dạ sầu cho em
bỏ lại dòng sông đầy gió …
ĐK : Gió, con sáo sang sông bạt gió
con sít thương ai, lội sông, lội sông tìm ai
(thương ai con sáo thương ai)
Yêu nhau quấn quýt lá trầu cau
yêu nhau hóa đá, đá chờ nhau
thương cả nhịp cầu, cầu qua sông
thương cả mối sầu, sầu thương em
Thương cha, con sáo thủy chung của mẹ
thương anh,con sáo đứt ruột chờ mong của mẹ
thương con, mẹ đưa qua sông
Hồng Hà mùa thu
Hà Nội mùa thu
một ngày mùa thu đầy gió…
ĐK : Gió, con sáo sang sông bạt gió
con sít thương ai, lội sông, lội sông tìm ai
con sáo sang sông, con sáo sổ lồng bay xa
sáo ơi, sáo bay xa
bay đi, bay mãi … xa…
Ngẫu hứng Trần Tiến 13
Bạn anh muốn làm ông già Noel cho cháu ngoại anh năm nay, ở Vũng Tàu. Nó chuẩn bị kỹ lắm. Chắc là áo sống, râu ria quà cáp như Tây gì đó. Cháu anh, giờ cuối cùng lại theo mẹ nó đi dự đám khác ở xa, tít tận Hồ Tràm. Anh báo lại, thấy giọng nó buồn, buồn…
Nó vốn là ông già Noel của cả chung cư, nơi nó ở. Chả biết thế nào, cứ đến thăm nó, là thấy trẻ con xúm sít vây quanh. Lúc đó anh chỉ cười cười nhìn nó. Không nghĩ gì.
– Tối nay, vợ chồng mày có “show” Noel gì chưa.
– Vợ tao về với con gái bên Úc rồi mà.
– Mày sao?
– Như mày thôi, một mình.
Mấy thằng lính về già thế đấy. Chỉ muốn làm một cái gì đấy cho cuộc đời thêm đẹp, thêm vui. Nó thích làm ông già Noel, tôi cũng thích viết thêm bài “Mặt trời bé con” nữa, tặng chúng nó.
Nhưng hôm nọ, cậu tài xế nói:
-Ông ơi, ông đừng buồn vì bài “Sao em nỡ vội lấy chồng” giờ nó chuyển thành hip hop. Bọn trẻ giờ không thích giai điệu đẹp đẽ, lời ca tử tế đâu. Chúng nó không thích tâm sự, ước mơ, giãi bày gì hết. Cứ “quậy” là thích, chả cần hay với đẹp cái con khỉ gì đâu. Cứ tiết tấu thật sướng, thế là thích,… chả cần biết bài ông nói gì.
Ừ, chúng nó cứ thích, cứ hạnh phúc là mình vui. Chỉ buồn, mình chả làm được gì góp cho chúng nó thêm vui.
Noel, dân nghệ sỹ bận làm cho người ta vui, mọi năm anh cũng vậy. Khuya khoắt về nhà, lại một mình, một bóng. Nhưng năm nay, anh không đi hát, thấy mình vô tích sự, ngồi nghĩ vẩn vơ… một mình, một bóng, nghe sóng biển vỗ… một mình.
… Mấy em gián, em kiến hôm nay đi đâu hết nhỉ… Các em toàn ăn trộm của anh mấy đồ ăn vớ vẩn của gã độc thân. Anh đâu có giận rỗi, đuổi các em đi đâu. Cứ xài thoải mái. Anh nhớ các em. Sao hôm nay anh đang buồn, các em lại đi đâu..
Hồi ấy, sáu tháng mùa đông ở Nga-la-tư, về được vùng Krats-nôi-ê ấm áp, sao sướng thế, được nhìn thấy lũ kiến, gián mà … bật khóc. Nhớ vùng quê nhiệt đới nắng gió, ẩm ướt nhà mình biết bao… nơi anh có bao những sinh vật bé nhỏ, làm bạn.
Có em thạch sùng trên trần nhà. Cả một đời chỉ thích ngắm trần nhà, nên anh rất nhớ em ấy. Hôm nay em cũng đi giáng sinh, sao chẳng thấy. Em thạch sùng, lắm lúc buồn cười. Bỗng dưng rớt xuống đất, cái đùng!., bỏ lại cái đuôi, rồi ngoe nguẩy cái đít cụt ngủn mà đi. Chả biết có giận hờn gì anh không.
Cả đời, anh chỉ sợ người ta giận hờn mình …
Thằng lính, bạn anh, hôm nay trượt mất hạnh phúc làm ông già Noel, chắc nó cũng ngồi buồn buồn, nhớ cái gì đấy…, ngày ấy…
Gía nó để ý một chút, sẽ tìm được một em thạch sùng trong giấc mơ trên trần nhà. Em bỗng nhiên rớt cái đùng. Bỏ lại cái đuôi. Rồi ngoe nguẩy cái đít cụt ngủn, mà đi… không thèm ngoái lại.Chả biết vì sao?
Giáng sinh không em
Ngày không em dường như khó quen
Từng đêm giấc mơ hoang chập chờn
Ngày không em trời như trắng đen
Ngoài hiên nắng thu phai buồn tênh
Ngày không em nhớ nhớ, quên quên
Ngày không em lóng ngóng loanh quanh
Ngày không em ngày giáng sinh về
Tiếng chuông chiều ru đôi tình nhân
Ngày không em bàn chân phố đêm
Từng nỗi nhớ em thêm lặn sâu
Ngày không em người như đã quen
Người như đã xa xôi hờ hững
Ngày không em gió bấc mưa rơi
Ngày không em tím tái chơi vơi
Ngày không em còn đến bao giờ
Tóc ai bạc phai thêm dại khờ
Không em. Cà phê đắng đen
Đường phố cao nguyên vời vợi
Không em trời mây vấn vương
Vòng khói chao nghiêng cửa Thiền
Thương nhau, chúng ta còn nhân thế
Thương em ngày vui giàng sinh
Và những tháng năm em một mình
Thương em. Cà phê cuối năm tôi
Một mình.
(Còn tiếp)
Bài viết được trích từ blog Văn đoàn Việt