Hôm đó là một buổi học chiều năm lớp mười. Thầy giáo dạy toán đang giảng bài thì tiếng nhạc cất lên ngoài hành lang, cả lớp ồ lên và thầy giáo nói: “con đường dưới chân anh”. Mặc dù tôi nghe bản nhạc ấy suốt từ thời nhỏ dại nhưng phải đến lúc ấy tôi mới biết tên của nó. Tôi vẫn cứ đinh ninh nó tên là “con đường dưới chân anh” như lời thầy nói. Và rồi đến tận sau này tôi mới biết được rằng điều thầy nói đó là câu trả lời chứ không phải là tiêu đề của bài hát.
Hôm nay, bản nhạc ấy lại cất lên văng vẳng đâu đó. Ở cái thời đại này lũ trẻ con không cần phải đợi đến mùa hè để xem “Tôn Ngộ Không” nữa, chúng có thể xem vào bất cứ lúc nào, tại bất cứ đâu, không chờ đợi, không trì hoãn. Tôi dừng xe lại, đứng một lát, nghe hết đoạn rồi lại đi tiếp, cũng chẳng vội vàng gì.
Rồi về nhà, những âm thanh ấy khiến tôi nhớ đến lời của cố đạo diễn Dương Khiết “Những thứ trôi đi rồi sẽ trở thành kỷ niệm thân thương. Chúng ta hãy giữ tháng ngày ấy trong tâm hồn, coi đó là những kỷ niệm thân thương nhất. Bởi đó là mối duyên trong cuộc đời” – Mặc dù Tây Du Ký đã khiến bà trở thành đạo diễn nổi tiếng nhất của Trung Quốc nhưng bà lúc nào cũng coi đấy là nỗi đau trong suốt cuộc đời của mình.
Tôi lại nhớ đến ba người diễn viên đóng vai Đường Tăng, hai người đầu tiên được chọn lựa một cách bài bản thì người lại không mặn mà với phim truyền hình, người thì vì lý do nào đó mà đều bỏ ngang. Chỉ có Trì Trọng Thụy là vô tình được Dương Khiết chọn lại đóng trọn vẹn bộ phim. Và rồi, hai người bỏ việc đóng Đường Tăng ấy, người thì sự nghiệp lụi tàn rồi bỏ hẳn việc đóng phim, người thì hàng ngày vẫn xuống phố, khoác áo cà sa, dắt theo bạch mã và hát bài “cảm vấn lộ tại hà phương?”. Chỉ có Trì Trọng Thụy kết hôn với nữ tỷ phú Trần Lệ Hoa và có một cuộc sống vương giả.
Kể ra, những ngã rẽ, những con đường của chừng ấy người cũng thật là thú vị.
Thi thoảng tôi lại nhận được lời đề nghị cho một lời khuyên nào đó – đa số là từ các bạn nữ – những thực thể đầy mâu thuẫn. Sự thật thì tôi rất rõ ràng, khi bạn đã hỏi tôi, tức là trong thâm tâm của bạn đã chuẩn bị sẵn một hoặc vài câu trả lời, và bạn cần có sự ủng hộ để câu trả lời của bạn có sức mạnh hơn. Còn tôi có đề nghị hay không thì câu trả lời sẵn có của bạn cũng không thay đổi. Vì thế, lời khuyên của tôi bao giờ cũng là sự chia sẻ điều tâm đắc “bằng cách nào đó, mọi thứ rồi sẽ ổn thỏa theo cách của nó, bạn đã làm hết mọi điều mình đã muốn hay chưa?”.
Rõ ràng,cũng như việc không thể thay đổi quá khứ, chúng ta cũng không thể đoạn định được tương lai chắc chắn sẽ ra sao. Thậm chí ngay bản thân chúng ta cũng không thể cam đoan rằng trong một trường hợp nào đó mình sẽ như thế này thế kia. Bản thân của mình và tương lai nó là một thứ bất định và khá mong manh. Chỉ có thực tại, ngay bây giờ, tại lúc này, bạn đang làm gì mới là điều chúng ta thực sự cần phải quan tâm.
…
Trên thực tế thì chúng ta đều đang sống ở quá khứ, chí ít thì nó chậm hơn so với thực tế khoảng vài phần trăm giây – là quãng thời gian não xử lý tín hiệu và phát ra câu trả lời – ví dụ bạn đang đọc đến chữ này, thực tế bạn đã phải nhìn vào nó, phân tích nó là chữ gì rồi mới biết tôi đang tào lao điều gì… tất cả đều cần thời gian và thời gian đó đều là … quá khứ.
…
Bạn nhắn tin hỏi “sao không thế này, thế kia… mà cứ mãi như vậy!” ra chiều có lẽ tôi nên có một sự thay đổi nào đó thì mới là lẽ thường còn không thay đổi là điều bất thường. Nghĩ đi nghĩ lại thì bạn nói cũng có phần đúng. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, chẳng có ai là không thay đổi cả, tôi thay đổi theo cách thức của riêng tôi. Chỉ có tôi trong mắt bạn là dừng lại ở một thời điểm nào đó trong quá khứ và bạn thì vẫn mãi nhìn vào điểm đấy. Cũng phải thôi, chúng ta đã không đi cùng nhau lâu lắm rồi, tôi trong trí nhớ của bạn chỉ là một dấu chân, cũ và không có gì thay đổi.
….
“Kỷ phiên phiên xuân thu đông hạ,
Nhĩ thường thường toan điềm khổ lạt.
Cảm vấn lộ tại hà phương?
Lộ tại cước hạ….”
…..
#ngotienwrite