“Từng cố chấp mới có thể buông bỏ; từng vấn vương mới có thể thản nhiên”
Những ngày cuối năm, nếu như người ta đang tất bật chuẩn bị cho một cái tết sum vầy thì với những người xa quê, cuối năm là thời gian để gặp gỡ và chia tay, mỗi người đến từ một phương trời cho nên cũng tranh thủ gặp gỡ và chúc tụng nhau về một cái tết vui vẻ, đầm ấm. Dường như lúc này đây, người ta mới nói chuyện với nhau nhiều hơn, trải lòng nhiều hơn. Mặc dù năm mới chưa đến, chẳng ai nói gì đến những dự định trong tương lai mà chỉ ôn lại những điều đã cũ.
Những cuộc điện đàm cũng dài hơn mọi bận, nói đi nói lại rồi cuối cùng cũng về đến câu chuyện muôn thủa: “chuyện vợ con”. Vừa cà kê “thầy” hỏi: “thế chú định bao giờ nữa?” Mình tự tin lắm, phân bua, tính toán ngay: “năm nay em 30, sang năm 31, rồi năm nữa 32, 33, 34… vị chi là còn những… 5 năm nữa cơ mà, lo gì?”. Thầy cười: “chú có chắc không?”. “Chắc!”. Thầy cười khùng khục (chắc bị sặc nước) rồi hỏi thêm: “thế nếu chú gặp một trong hai trường hợp sau thì thế nào? Thứ nhất là: nếu bác sĩ bảo cưới chú dám bỏ không? Thứ hai: nếu như gặp một người mà khó khăn cỡ nào người ta cũng theo chú thì với cái bản tính của chú, chú có bỏ được không?”. Nghe đến đây thì mình tắc tịt, trong cả hai trường hợp nếu mà “bỏ” được thì cũng như chấp nhận bỏ luôn cái chữ “người” ra khỏi cụm từ “con người” luôn cho tiện.
Nhưng dù sao, nếu gặp được những trường hợp ấy thì cũng phải nói đến một chữ “duyên”. Duyên đã đủ thì tự nhiên thôi, có gì đâu mà phải phản kháng cơ chứ? Lại nói đến nhân duyên. Mình lại nhớ đến câu chuyện cà kê với bé lúc ban chiều. Gọi là bé vì bé cũng ít tuổi hơn mình tuy đã lấy chồng, sinh con. Kệ! Bé đang rảnh quá nên ngồi kể mình nghe chuyện tình của bé với hai chữ “nhân duyên”, đơn giản nhưng hiện hữu thật sự.
Bé người gốc Bắc nhưng lại khăn gói vào Nam để học hành. Câu chuyện của bé bắt đầu vào khoảng năm cuối đại học. Năm ấy, những người xa quê hương tại Sài Gòn tổ chức một bữa tiệc gọi là “hội đồng hương”, thành phần thì nhiều các tầng lớp trong xã hội nhưng chủ yếu là những người trẻ tuổi, đang đi học hoặc chỉ mới đi làm một thời gian. Bé cũng là một trong số ấy. Ngồi cùng bàn với bé là anh, trong mắt bé anh độ khoảng 30 tuổi, mập mạp, già dặn và toát lên phong thái của một con người lịch thiệp, thành đạt. Câu chuyện anh và bé quẩn quanh vấn đề quê hương rồi gia đình, chuyện học hành, chuyện bản thân. Cuối buổi, lúc đứng dậy ra về anh ghé tai bé thì thầm: “em dễ thương lắm”. Sợi dây nhân duyên đã gieo vào lòng bé những nốt đầu tiên của bản nhạc, chẳng rõ là vui tươi hay sầu bi nhưng chắc chắn một điều là nó vô cùng rạo rực và cuốn hút. Hai người cũng không trao đổi gì thêm. Không gặp nhau kể từ đó.
Nếu câu chuyện chỉ đến đây thôi thì có lẽ chẳng có gì để nói. Sự diệu kỳ của nhân duyên đó là nó có thể viết tiếp một câu chuyện mà lẽ ra đã kết thúc. Một thời gian sau, ngẫu nhiên bé gặp lại anh trong đám cưới của một người bạn. Nốt nhạc thứ hai vang lên và một bản tình ca dịu dàng giao hưởng.
Anh đưa bé về trong hôm ấy để kịp giờ đi lễ. Tuy không theo đạo nhưng anh cũng đi nhà thờ cùng bé và tỏ ý muốn tìm hiểu về thiên chúa. Lễ xong, anh lại đưa bé về phòng trọ, rồi đưa bé cũng những người bạn cùng phòng đi ăn. Và rồi hai người bắt đầu có những sự liên hệ mật thiết hơn. Gặp gỡ, điện thoại, nhắn tin… thường xuyên hơn. Để chấm dứt lý do nhùng nhằng của bé “em không yêu người ngoại đạo đâu” anh đã hứa: “anh sẽ học đạo, sẽ làm cho em tự hào về anh trước ba mẹ em”. Như vậy, họ yêu nhau.
Tình yêu, hay nói cách khác là cái nóng bỏng của tình yêu kéo dài được bao lâu bạn nhỉ? Đi lễ cùng nhau, hẹn hò, gặp gỡ, đi vòng quanh Sài Gòn rồi những hôm bên cạnh nhau trong căn phòng trọ của anh… Tất cả những thời gian bên nhau ấy là một tình yêu dịu dàng, ngọt đắm. Tuy nhiên, đã yêu thì ngọt mãi cũng ngán cho nên có chút sóng gió cũng là điều dễ hiểu.
Năm sau bé tốt nghiệp, đi làm và bắt đầu tính toán cho một bước tiến xa hơn. Và thời gian này cũng là lúc bé thấy anh có những điều khác lạ. Anh ít gặp bé hơn, ít đi lễ cùng hơn và ít dỗ dành bé những lúc giận dỗi hơn. Những cái ít ấy gom lại từng ngày cho đến một hôm bé không chịu được nữa, quyết định tìm hiểu nguyên do qua điện thoại của anh. Trong ấy là những dòng tin nhắn tình cảm của anh với một người con gái khác. Và ngay lập tức, bé bỏ về.
Hai người chẳng nói chuyện hay liên lạc gì trong vòng 4 ngày và rồi bé nhắn tin cho anh vào một ngày thứ sáu: “Anh không định giải thích hay xin lỗi em à?”. Anh trả lời: “có lẽ chúng mình nên chia tay, tình yêu của anh với em không đủ lớn để đi đến hôn nhân. Anh đã muốn nói với em mấy lần nhưng sợ em buồn nên lại thôi”.
Thế đấy bạn ạ! Cái gọi là “đủ lớn” là bao nhiêu? Làm sao có thể cân đo được thứ ấy ngoài hai điều “yêu thương” và “trách nhiệm” cơ chứ? Hụt hẫng và khổ đau quá. Bản nhạc du dương hơn một năm qua giờ đây đã thành những nốt trầm lặng ngắt, cứa và tâm khảm và tình yêu của bé rồi hóa thành nước mắt trong những chiều đi làm về. Bé sống cùng nước mắt.
Rồi thì cũng bình tâm lại vì sự thật là có khóc mãi cũng chẳng thể nào thay đổi được sự thật: anh không còn là của bé nữa. Một tháng sau, bé bắt đầu trở lại với nhịp sống hàng ngày và rồi anh lại nói chuyện với bé. Hai người trở thành những người bạn, lại đi chơi nhưng bao giờ cũng có mặt của những người bạn khác.
Chuyện nhùng nhằng quá các bạn nhỉ? Mình nghe đến đây cũng thấy bực cho bé quá. Đành rằng bé vẫn còn yêu anh nhiều lắm nhưng anh không thương bé nữa thì gặp gỡ làm gì để mà lại khổ đau thêm? Mình chẳng tin trong những buổi đi cùng bạn bè ấy, qua những nơi quen thuộc ấy và lúc anh nhấn mạnh với những người khác “chúng mình đã giải tán rồi” ấy – bé không đau. Làm sao mà không đau được cơ chứ? Bé muốn níu kéo điều gì? Tiếc thương cho điều gì nữa?
Những người bạn khuyên bé: “thôi, không yêu nữa thì chấm dứt, để thời gian mà tìm hiểu người khác chứ cứ nhùng nhằng mãi thế này cũng không được”. Bé vẫn không thể nào tự buông bỏ được.
Một hôm, anh lại đến đón bé đi chơi, nơi anh đứng đợi là chỗ cũ, vị trí đó anh đã đứng cả trăm bận đón bé. Vừa lên xe anh nói: “hàng xóm méc với anh là bữa trước có người khác đến đón em đi chơi”. Quả thật, hôm trước bé có ngồi xe của một người bạn khác đi café. Lời nói trần thuật của anh bình thản mà như giọt nước cuối cùng nhỏ vào ly đã căng tràn của lòng bé. Bé ngồi sau xe anh, khóc cả một quãng đường từ ấy cho đến quán café. Và rồi bé quyết định không gặp anh nữa. Gặp để làm gì cơ chứ? Để đau lòng? Để hy vọng hay để thấy mình tủi hổ hơn? Bé không biết điều ấy, bé chỉ biết rằng nếu gặp anh nữa là điều sai lầm.
Mình nghe bé kể đến đây thì thấy nhồn nhột, hoàn cảnh của bé sao mà giống mình thế cơ chứ? Có lẽ vì giống cho nên chuyện của bé mà mình cứ ngỡ như là của mình vậy.
Câu chuyện của bé vẫn còn dài, vẫn cù cưa cho đến đoạn bé kết hôn cơ nhưng do nó dài quá và tình tiết lắt léo quá cho nên mình sẽ kể tiếp cho các bạn vào một ngày nào đó gần đây nhất. Chuyện nhân duyên mà. Nếu có thể, lần sau bạn hãy uống một tách trà, vừa nhâm nhi vừa nghe mình thủng thẳng kể. Nhân duyên chẳng thể vội vàng qua loa được bạn ạ.
Thế nhé! Hẹn gặp lại.
Ngố Tiên