Những ngày xa xưa, khi mà chiếc tivi màu còn là thứ tài sản quý giá trong những ngôi nhà ngói đỏ và xung quanh vẫn còn có những túp nhà tranh thì gia đình tôi lại khác với những nhà khác, tuy rằng cũng nhà ngói, cũng tivi nhưng chỉ xem hết thời sự thì đã tắt đèn đi ngủ vì lý do rất đơn giản: gia cụ trong nhà tôi mỗi ngày mỗi thiếu vì buổi tối có rất nhiều người trong làng đến xem phim nhờ, trong đấy cũng không thiếu bọn trẻ con táy máy chân tay.
Nói gần không được vì sợ mất lòng hàng xóm, nói xa thì chẳng có ai nghe, thế nên ông nội tôi ra một quyết định vô cùng tàn khốc (đối với tôi lúc bấy giờ) đó là hết thời sự phải ngồi vào bàn học ngay gần cái tivi ấy để có hai lý do thứ nhất là trông xem tôi học hay chơi, thứ hai là để biện cớ để cho tôi học nên không được xem tivi.
Bạn không thể hình dung được nỗi thống khổ của tôi như thế nào trong những ngày ấy, phải ngồi cạnh bên chiếc tivi quí giá vừa học bài vừa thỉnh thoảng nhìn sang bên cạnh mà nghĩ chương trình tivi tối nay có phim gì? Ngày mai bọn bạn trên lớp bàn tán về phim nó ra sao? Nói là cực hình cũng không đủ.
Có lẽ là ông trời thương tôi, mà cũng có lẽ là ông nội chiều tôi (vì kết quả học tập của tôi luôn rất tốt) nên có một lần tôi được nhận một món quà của mẹ, đó là một chiếc đài cattset loại nhỏ.
Tôi còn nhớ rõ những ngày đầu cầm chiếc đài ấy đi lùng sục xem ở đâu có băng cattset cũ, nghe được cái gì thì thì nghe, không nghe được thì ghi âm để tự nghe lấy rồi tiết kiệm từng cái chai thủy tinh, lọ nhựa, vỏ hộp, giấy rác để bán ve chai kiếm tiền mua pin.
Được một thời gian, chơi chán với mấy cái băng cattset cũ kỹ thì tôi lại chuyển sang một yêu thích mới, đó chính là nghe đài. Tôi bật đài nho nhỏ để bên cạnh bàn học vừa học bài vừa nghe, được mấy hôm thì ông tôi tóm được Thiếu chút nữa thì bị “cấm đài” nốt cho nên tôi phải ngoan ngoãn học bài xong khi lên giường nằm mới được bật đài lên để thưởng thức, những lúc này đây thỉnh thoảng tôi lại nhận được những mệnh lệnh đại loại như: “kênh khác đi”, “cho to lên chút nào”…. Vào thời gian này cũng chỉ có hai chương trình mà cả nhà tôi quan tâm, chú ý nhất đó là “cảnh giác” (ông bà tôi thích nghe nên cũng phải nghe theo) và chương trình “kể chuyện đêm khuya”.
Cho đến tận ngày nay, khi ông tôi mất đi, chiếc đài vẫn là vật không thể thiếu được trên đầu giường của bà tôi như một thói quen không bao giờ đổi được, thậm chí bà tôi chẳng mấy khi xem tivi (bà xem tivi với lý do là bật lên cho nó khỏi mốc) nhưng đài nhất định là phải nghe.
Tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với chiếc đài, với những câu chuyện đêm khuya mà chẳng mấy khi tôi nghe trọn vẹn đã đưa tôi vào giấc ngủ, trôi qua những năm tháng êm đềm mà bình lặng.
Tuy là chuyện đã lâu nhưng cũng có đôi khi tôi lại chợt nhớ đến một câu chuyện nào đó tương tự như những gì tôi đã nghe trước đây, đứt quãng, chắp vá nhưng cũng có đôi khi cũng trở thành một câu chuyện khá đầy đủ.
Để rồi khi lớn lên, trong một dịp đi đến một làng quê ở một tỉnh miền núi phía bắc, câu chuyện xa xưa thỉnh thoảng vẫn hiện lên chập chờn trong trí nhớ của tôi mới được chắp lại như những mảnh ghép ngẫu nhiên của cuộc đời đã từng hiện hữu, trôi qua và một lúc nào đó lại chắp nối lại cái mà người ta gọi là “số phận”.
Tôi cũng không nói đến chuyện số phận ở đây, mà tôi chỉ xin kể lại câu chuyện ngày xưa, ngày ấy, tiếng radio rè rè xoèn xoẹt như những vệt ngoằn ngòe lóe lên trong giấc ngủ chập chờn mà bình lặng của tôi.
Câu chuyện kể về một ngôi là nghèo ở vùng núi phía bắc, tôi cũng không nhớ rõ nói cụ thể là ở đâu, chỉ biết rằng ngôi làng ấy nghèo lắm, nhà giàu nhất trong làng tài sản cũng chỉ là hai con trâu, một năm chỉ có một mùa lúa nương, cái ăn chủ yếu vẫn là bắp ngô, củ sắn, bó rau rừng…
Trong ngôi làng heo hút này có một chàng thiếu niên ngày ngày đi bộ vài cây số để học cái chữ và cũng là người kể lại cho tôi nghe câu chuyện của anh.
Người học trò nghèo ngày ngày lội suối, trèo đèo chỉ mong có được cái chữ thoát khỏi cái nghèo cái đói dai dẳng đeo bám bản làng của anh cho nên người ta mới nói đến chuyện “chân cứng đá mềm” bởi lẽ cậu học trò cũng thông minh, lanh lợi. Cậu chính là niềm tự hào của làng và cũng là chàng thiếu niên được rất nhiều thiếu nữ trong làng để ý đến, ở cái nơi mà bản làng bên cạnh có những thiếu nữ chỉ mười ba mười bốn đã một nách hai con thì điều này cũng không làm chúng ta ngạc nhiên cho lắm.
Cũng như bao câu chuyện khác, chàng trai là niềm tự hào của làng, còn cô gái là bông hoa của cả núi rừng. Tuy chưa bao giờ nói nhưng ai cũng hiểu ý, mọi người xung quanh hiểu ý, hai người cũng hiểu ý, ngầm ước định trong những ánh mắt trao nhau.
Một năm có một mùa lúa, sau mùa lúa cũng là ngày hội của bản làng. Ngày hội quan trọng với bản lắm, nó không chỉ là ngày tế lễ thần linh mà cũng là ngày mà các thanh niên nam nữ trong làng thành đôi thành lứa.
Đó là một phong tục độc đáo của bản, tối ngày lễ hội, cả bản nhảy múa quanh đống lửa trước sân nhà rông cùng tiếng cồng, tiếng chiêng, cùng những câu ca, lời hát và uống những bình riệu cần được ủ chế từ mùa lúa năm trước cho đến tận đêm khuya.
Khi lửa trại đã tàn, ché riệu đã cạn, con trăng mười sáu đã lên quá đầu cũng là lúc tiếng hát đươc nghỉ ngơi ai có gia đình thì về nhà nhà ấy còn những thanh niên trưởng thành, những người độc thân thì ở lại chia nhau chỗ ngủ trong chiếc nhà rông rộng thêng thang.
Cũng trong đêm này, những chàng trai, cô gái phải lòng nhau, đã tình tứ, ước hẹn với nhau sẽ tìm đến nhau cùng chung một gối, ngủ chung một mền. Nếu như đồng ý cùng nhau họ sẽ làm việc vợ chồng với nhau trong đêm nay, còn nếu chưa muốn về ở với nhau thì đêm ấy cũng chỉ là một bí mật nho nhỏ của cả hai người.
Sáng ngày hôm sau, cô gái này đã trao thân cho người thương sẽ trở về nhà của mình, đốt lửa bếp lên và ngồi một mình bên cạnh với chiếc khăn trùm kín mặt để báo với bố mẹ rằng con đã trao đời con gái cho người thương, bố mẹ chuẩn bị sang “hỏi tội” gia đình bên kia, thúc dục người ta giết heo, giết gà làm lễ cúng giàng để cho đôi lứa được nên đôi, nên cặp.
Đã bao năm nay, người trong bản cưới nhau là như vậy, nếu như có chàng trai nào hối hận thì cái giá phải trả đắt vô cùng, hoặc là chàng “phải cưới” hoặc là phải phạt “vạ” cho làng một con trâu để làng ăn “vạ” – thứ tài sản mà ba đời nhà chàng chưa chắc đã gom góp được.
Năm nay chàng thiếu niên của chúng ta cũng đã đến tuổi trưởng thành, cái tuổi mười lăm nhưng với thân hình cao lớn, vạm vỡ, tuy vẫn còn những nét non nớt trên khuôn mặt và một chút vẻ mềm mại của một thư sinh chăm chỉ dùi mài đèn sách nhưng mỗi ngày đi không biết bao nhiêu đường đồi núi, chiều lại lên nương, lên rẫy; chàng trai mười lăm rắn chắc như một khúc gỗ lim, nước da đen bóng mà mượt mà như chuôi dao… tất cả hiện lên một hình ảnh điển hình cho niềm tự hào của núi rừng và cũng là niềm ao ước của biết bao nhiêu thiếu nữ.
Trước lễ hội làng vài ngày, bản làng đã đón một vị khách đặc biệt, đó là thầy giáo của chàng, thầy lặn lội đến tận bản làng của chàng để đưa cho chàng và cả bản biết một quyết định quý giá dành cho chàng đó là chàng được chọn đi học ở một trường nội trú dưới xuôi, tất cả mọi chi phí ăn học sẽ được chính quyền lo cho chàng. Thầy chỉ vì sợ làng không tin, sợ làng không cho chàng đi nên mới phải lên tận nơi để khuyên nhủ, cam đoan.
Đêm nay cũng là đêm định mệnh trong cuộc đời chàng trai mới lớn, qua đêm nay cậu đã là một chàng trai trưởng thành, có quyền quyết định mọi thứ thuộc về bản thân mình, kể cả việc lấy vợ sinh con, cả trăm năm nay đều là như thế.
Chính vì vậy, đêm nay, những chàng trai cô gái đều ngây ngất trong men riệu cần nồng nàn chỉ mình chàng không uống. Đôi mắt chàng vẫn sáng rực lên như hai ngọn đuốc thỉnh thoảng lại tìm kiếm một bóng người trong những cô gái đang nhảy múa hát ca ngoài kia, trong ngọn đuốc ấy có nhiệt thiết, có chờ đợi, có lo lắng và cũng có một nỗi niềm bất đắc dĩ dấu diếm đậm sâu.
Trong căn nhà rông rộng rãi, chàng trai không chọn vị trí kín đáo trong góc hay những chỗ sát tường mà lại chọn cho mình một chỗ nằm gần cửa ra vào nhất, cách xa với những bạn bè khác. Chàng nằm xuống mà chỉ mong đêm nay trôi qua thật nhanh, thậm chí chàng đưa chăn lên trùm quá đầu dường như muốn che bớt ánh trăng ngoài kia mà dường như cũng muốn che đi sự tồn tại của mình.
Khi chàng đang chìm đắm trong những suy nghĩ của mình thì cánh tay rắn chắc của chàng bị kéo ra một bên và đặt lên đấy là một bông hoa mềm mại với suối tóc mượt mà, một cánh tay trắng ngần luồn vào trong chăn, đặt lên ngực chàng vuốt ve mời gọi.
Chàng biết đấy là ai, suối tóc này, mùi thơm của lá rừng này, thân hình này, cánh tay ngọc ngà này chàng vô cùng quen thuộc, quen thuộc như chính bản thân của chàng vậy.
Chàng đưa cánh tay kia sang bên cạnh, ôm lên tấm thân đầy nóng bỏng căng tràn nhựa sống của tuổi trăng rằm đang vội vàng mời gọi. Hơi thở dồn dập mang chút hơi thơm của mùi riệu cần như gãi vào vành tai nhộn nhạo của chàng:
“ngày mai, mẹ em sẽ sang nhà anh, anh nhớ chuẩn bị…”
Câu nói nhẹ nhàng đầy tha thiết, khát khao của cô gái đang yêu vang lên như một tiếng sấm nổ bên tai. Cánh tay đang muốn ôm ấp của chàng cứng lại, đôi mắt mê li lại sáng dần lên, đôi môi của chàng đang được một vành môi ngọt ngào chiếm lấy mà chàng cảm thấy đắng ngắt xót xa như lá rừng.
Dưới ánh trăng vằng vặc kia, chàng nhìn gương mặt gần trong gang tấc của bông hoa rừng mà tự nhiên cảm thấy thật xa xôi, xa hơn tất cả những con đường mà chàng đã từng đi, xa hơn cả vị trí viết trên tờ giấy quyết định kia.
Chàng hít thật sâu như lấy hết can đảm, ngồi bật dậy, trùm chiếc chăn lên người cô gái rồi chạy vội ra khỏi nhà trong ánh mắt tròn xoe đầy kiếp sợ mà bàng hoàng của người thương.
Chàng chạy mãi, chạy mãi, cho đến khi vấp ngã trước chiếc guồng nước cuối làng, tiếng suối róc rách và làn nước mát lạnh phản chiếu ánh trăng vằng vặc trên kia như cười nhạo cái nhát gan của chàng.
Tiếng bước chân vội vàng vang lên phía sau, chàng trai biết đấy là ai đi theo mình, thậm chí chàng cũng không dám ngoảng mặt lại nhìn, chàng nhát gan, chàng sợ phải nhìn thấy đôi mắt nghi vấn, lo sợ, bàng hoàng của cô.
Cô gái dừng lại một chút rồi nhẹ nhàng bước lên, đưa tay ra ôm lấy cổ chàng trai đang quỳ gối bên bờ suối. Chiếc chăn mỏng khoác tạm trên vai nàng rơi xuống dưới chân, tấm lưng trần nóng rực của chàng trai chạm vào một đôi gió mát, mềm mại mà căng tròn.
Tiếng cô gái lại thỏ thẻ bên tai chàng, run rẩy mà như tiếng khóc: “anh không dám à??”
Chàng trai lại đứng bật dậy, rời đi cái nơi mềm mại đầy ma lực quyến rũ kia mà vục đầu vào dòng nước lạnh lẽo để dập tắt ngọn lửa ngày hội làng đang rừng rực bùng cháy trong anh. Khóe mắt của chàng nhìn sang bên cạnh, nơi đó đứng sững sờ một thân hình nóng bỏng với đôi ngực sừng trâu màu sữa vểnh lên dưới ánh trăng và tiếng cười dài nhạo báng, chua chát của cô gái như những mũi gai đâm sâu vào trái tim chàng.
Hình ảnh một cô gái ngực trần cất tiếng cười man dại như tiếng khóc dưới ánh trăng bên bờ suối trở thành một vết sẹo vĩnh viễn khắc sâu trong linh hồn của anh, suốt đời, suốt kiếp không bao giờ phai nhạt.
Ngày đi nhập trường, xã cho xe lên tận bản đón anh, có cả thầy giáo, có cả chủ tịch xã, có cả bạn học…. anh cũng không biết làm thế nào mà chiếc xe dã chiến này có thể lặn lội đến tận đây được, phải nói đây cũng là một kỳ tích. Tất cả người trong bản ra tiễn anh, người cho nắm gạo, mảng vải, thậm chí là con gà, miếng thịt… chỉ có một người không đến. Anh biết lỗi là của mình nhưng trong đáy mắt anh cũng không dấu được sự thất vọng nặng nề. Anh cũng biết, từ cái đêm hôm ấy, nước mắt của bông hoa rừng đã nhiều như con suối ngoài kia.
Anh được đưa đến nhập học ở một trường nội trú dành cho cho các con em dân tộc thiểu số, điều kiện ăn ở, học tập của anh cũng tốt lắm, nhất là trưởng bản thỉnh thoảng lại sai người trèo đèo lội suối mang gạo mang gà xuống thăm anh, cũng có đôi khi anh nói với người trong bản đừng có xuống nữa, anh có nhà nước nuôi, không thiếu gạo không thiếu vải, hết năm học anh lại về thăm bản. Nhưng cách một vài tháng lại có người đi xuống, nói là có việc xuống dưới đây tiện thể qua thăm anh, anh cầm cân gạo, tấm vải mà nặng nhược ngàn cân. Cái bản làng hẻo lánh ấy, trù anh ra, trước đó có ai đi rời đi quá làng?
Thành tích học tập của anh tốt lắm, hàng ngày anh cặm cụi học tập, đọc sách báo, vùi đầu tìm hiểu tri thức để quên đi một hình ảnh nơi quê nhà, để xứng với những hạt gạo ngày càng ít ỏi của bản. Đặc biệt, anh rất có năng khiếu với ngôn ngữ, khó mà tin được mảng đất khỉ ho cò gáy nghèo nàn nơi góc núi ấy lại sinh ra một tâm hồn lãng mạn mà nồng nàn như anh.
Ngay năm học thứ hai, tự mình mày mò, tự mình viết bài, tự gửi đến tòa soạn, bài viết về những nét đẹp văn hóa cũng như những phong tục đặc sắc của quê anh được chọn đăng trên trang đầu một tờ báo có tiếng tăm, bài báo có sức ảnh hưởng rất lớn, nghe đâu còn được báo chí nước ngoài dịch rồi đăng trên báo của họ, nghe đâu sở văn hóa du lịch cũng đã có người đến tận nơi tìm hiểu, viết báo cáo, lập dự án… Anh cũng không biết nhiều như thế vậy, anh chỉ biết tiền anh nhận được từ nhuận bút rất nhiều, anh dùng tiền này mua rất nhiều quà gửi về bản và dặn rằng: “từ nay mọi người xuống thăm anh đừng có mang gạo nữa, anh cũng đã biết kiếm ra cái tiền cho mình rồi, bản làng cứ yên tâm”.
Ngày anh nhập học trường học viện báo chí và tuyên truyền ở diện tuyển thẳng cũng là ngày tỉnh ký quyết định làm một con đường to nối thẳng tới bản làng của anh, bản sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa, tiêu biểu cho cả tỉnh.
Việc học tập bề bộn ở chốn thủ đô xa xôi, những chuyến đi thực tế dài ngày khiến cho anh không có nhiều thời gian về thăm bản như trước nữa. Nhưng anh vẫn để tâm tư của mình về bản làng xa xôi, nghe đâu bản làng bây giờ khác xưa lắm rồi, đường được mở rộng, làm mới, trải nhựa, xe ô tô khách có thể vào đến tận bản, người trong bản muốn đi chợ, đi sang bản khác hoặc đi xuống tỉnh cũng tiện lợi rất nhiều.
Bản trở thành một điểm du lịch văn hóa, người trong bản nấu những món ăn truyền thống chỉ có trong những ngày lễ, ngày hội phục vụ khách thăm quan; các cụ già, các thiếu nữ đan những sản phẩm thủ công hàng ngày hoặc dệt những tấm áo váy thổ cẩm cũng được khách rất ưa chuộng và đánh giá cao, thậm chí những lời ca, điệu hát, điệu nhảy múa cũng trở thành một sản phẩm của ngành du lịch cùng những đêm biểu diễn với giá không rẻ.
Đời sống trong bản cải thiện rõ rệt và trở nên giàu có hơn hẳn những bản làng bên cạnh. Mỗi lần nghe những tin tức về bản làng, có lúc là người làng đưa tin, đồng nghiệp đi thực tế về trao đổi, thậm chí là nhìn thấy trên tivi khiến cho anh vô cùng vui mừng và tự hào: bản làng của anh không còn người đói nữa.
Anh biết, nơi ấy vẫn có một bông hoa rừng đã chịu đựng mưa gió sương sa năm năm, nhìn những bạn cùng lứa tuổi bồng con bên gia đình mà chờ đợi một hình bóng một người từng quỳ gối bên bờ suối đêm trăng. Nhiều người khuyên nhủ, gia đình ép buộc nhưng bông hoa rừng ấy vẫn kiêu ngạo đứng dưới ánh trăng mà khoe vẻ nét thanh xuân mặn mà, kiêu sa và cũng có đôi nét u buồn.
Năm nay, anh được đặc cách tốt nghiệp sớm vì thành tích học tật suất sắc cũng như các hoạt động xã hội, báo chí, văn học tích cực của mình. Lễ tốt nghiệp tổ chức vô cùng long trọng, bản làng biết tin cũng cử người đi cùng người nhà của anh xuống dự nhưng một người quan trọng với anh cũng không xuất hiện. Lẽ nào xa cách sáu năm trời vẫn không xóa được tiếng cười chua chát ở đêm trăng năm nào?
Tối hôm ấy, nơi căn phòng nhỏ của anh, mẹ anh nhẹ giọng kể cho anh nghe những tin tức gần đây nhất mà những người cùng bản đến thăm anh nhưng không dám kể, câu chuyện về bông hoa của bản.
Chuyện lại nói về cái phong tục trong ngày hội mùa của làng anh, hội mùa không phải tổ chức một năm một lần như ngày xưa nữa mà cứ khi nào có khách đến yêu cầu là lại tổ chức, miễn sao mọi chi phí khách phải chi trả đủ và người trong bản cùng công ty du lịch có thể đạt được lợi nhuận thì ngày ấy chính là hội mùa, là nhảy múa, là hát ca, là tiệc tùng cúng tế, là ngày ngủ ở nhà rông (nay là nhà văn hóa) của thanh niên trong làng và tất nhiên, có cả khách du lịch nữa.
Việc này cũng không có gì to tát lắm, đã diễn ra hơn một năm nay, kết quả cũng rất khả quan: khác thăm quan đến nhiều hơn, bản làng cũng kinh doanh được nhiều tiền hơn; cho đến vài tháng trước, có một đoàn du khách nước ngoài đến thăm làng, đa số trong họ là người trung niên và người có tuổi chỉ có một vài thanh niên, họ chỉ có gần hai chục người nhưng cũng yêu cầu tổ chức hội mùa, mọi chi phí họ sẽ lo hết thậm chí là cả riệu nữa, nếu không đủ riệu cần sẽ cho người lái xe đi mua thêm, riệu gì cũng được miễn sao là thật vui vẻ vì đây là điểm du ngoạn cuối cùng của đoàn.
Sau ngày hội mùa hôm ấy, bông hoa xinh đẹp nhất từ trước đến nay của bản đội khăn ngồi bên đống lửa trong nhà. Đối tượng là một người đàn ông trung niên nhưng có mái tóc vàng óng và đôi mắt nâu vô cùng cuốn hút. Ông ta đã giải thích rằng ông đã uống rất nhiều riệu nên… Gia đình nhà cô yêu cầu tổ chức đám cưới nhưng đoàn du lịch phải lên đường trở về ngay trong ngày và người ta chấp nhận “phạt vạ” một cách thoải mái, vì không có trâu nên họ đền bằng tiền, rất nhiều tiền, nhiều đến nỗi cả làng “ăn vạ” ba ngày liền không hết.
Anh ngồi lặng đi trong tiếng thở dài bất đắc dĩ của mẹ mà tim như bị ai đó xé toang, chua xót, oán trách, căm hận… chảy xuôi trong lòng anh để rồi tụ lại chỉ còn một chút nhợt nhạt như ánh trăng rằm bị che khuất bởi khói bụi và nhà chọc trời ngoài kia.
Hôm sau, anh tiễn người nhà ra ở bến xe mà không trở về cùng mặc dù anh được biết ở bản cũng đang tổ chức một bữa tiệc mừng cho anh. Bố anh vỗ vai anh thật mạnh rồi lên xe, anh cố vẫy tay chào tạm biệt người nhà với nụ cười đầy gượng gạo, lý do anh cũng đã lấy tốt lắm: có một nhà xuất bản đã nhận anh vào công tác với mức lương rất hấp dẫn nên anh phải ở lại. Lý do là thật nhưng tâm tư anh ở chỗ nào thì chính bản thân anh cũng không biết được, có lẽ anh lại quay lại với cuộc sống như những ngày đầu đi học xa nhà: làm một việc gì đó để quên đi một ai đó.
Một năm đã trôi qua, nhà văn trẻ đã bắt đầu có tiếng tăm với những tác phẩm có chất lượng cao. Sự nghiệp của anh cũng vừa mới khởi bước nhưng cũng đã có một kết quả khả quan. Những tưởng con người có những bài báo đầy sắc bén, những áng văn thâm thúy, sâu sắc mà không kém phần lãng mạn ấy sẽ tiếp tục sự nghiệp rực rỡ của mình thì bỗng nhiên người ta đọc được một bài báo rời khỏi văn đàn của anh, bài báo cũng khiến cho nhiều ý kiến trái chiều nhau, có người tiếc cho anh, có người lại nói anh cố ý nhiều chuyện để gây thêm tiếng tăm….
Đối mặt với những dư luận ấy anh chỉ cười mà nói rằng: “tôi đã làm cái mà mình muốn làm, thấy cái mà mình muốn thấy, tôi cũng sẽ tiếp tục viết văn, tiếp tục viết báo nhưng từ nay trở đi tôi sẽ không tự xưng là nhà văn hay nhà báo nữa, tôi nghĩ tôi đã tìm ra cái mà tôi muốn làm tiếp sau này rồi nên tôi chọn con đường của riêng tôi”.
Ngày anh khăn gói về bản, trưởng bản cùng gia đình xuống tận bến xe tỉnh đón anh, trưởng bản đã già rồi, răng chỉ còn lại có vài chiếc và gương mặt như vỏ cây cổ thụ nhưng vẫn còn khỏe lắm, ông bảo ông thuê hẳn một chuyến xe xuống đón anh, thậm chí nếu như anh về bản sớm hơn một năm ông cũng sẽ không cần thuê xe – đi bộ cũng đón được.
Cả bản tổ chức một bữa tiệc ở nhà rông để chào đón anh – người anh hùng của bản, ở nhà rông – nay là nhà văn hóa ở vị trí trang trọng nhất có một chiếc khung kính, bên trong khung kính là bài báo của anh được đăng thủa nào, nhờ nó mà bản làng mới có đường to, có tivi, xe máý, trẻ con được đi học…. Trưởng bản kể, năm xưa khi có người của sở du lịch đến đây khảo sát, họ đã mang theo bài báo này, chủ tịch xã đọc to bài báo này trước tất cả mọi người trong bản và sau đó trưởng bản đã xin lại bài báo làm kỷ niệm, mặc dù ông và kể cả mọi người trong bản lúc bấy giờ không có ai biết chữ.
Bản làng của anh đã khác xưa nhiều lắm, nhà đã không phải là nhà tranh mà là nhà ngói, không phải là những chiếc cột mục nát xiêu vẹo mà thay vào đó là những chiếc cột bê tông vững chắc. Trên gương mặt của mọi người không còn ưu sầu của đói nữa, cả bản không chỉ có một mình anh được học chữ nữa…
Nụ cười vui mừng của anh bỗng nhiên lặng đi, đóng băng lại, khuôn mặt tái nhợt vì run rẩy khi anh bắt gặp một ngôi nhà nhỏ ở cuối làng, ngôi nhà nhỏ lắm, chứng tỏ chủ nhân của nó cũng chẳng quan tâm gì đến chất lượng, miễn sao có chỗ che mưa che nắng là được chỉ có điều vị trí của nó cũng là vị trí đẹp nhất làng: bên bờ suối, phía trước là một khoảng sân rộng rãi và bên cạnh là chiếc guồng nước khổng lồ đang kẽo kẹo đưa nước.
Sự phản kém của căn nhà này so với những ngôi nhà khác trong làng, với vị trí nên thơ của nó cũng không khiến cho tim anh nhói đau khi nhìn thấy trước của nhà một thiếu phụ gầy gò, ốm yếu, nước da của nàng xanh xao vàng vọt, đôi mắt lúc nào cũng nhìn về một khoảng không vô định phía trước, vô thần mà khắc khổ. Sau lưng thiếu phụ là một chiếc địu, một đứa bé hồng hào có mái tóc màu đen và đôi mắt nâu xinh đẹp như một con búp bê trong tủ kính đang nhắm mắt lim dim ngủ. Nếu như lại gần, người ta sẽ nghe thấy thiếu phụ ấy đang khẽ hát ru cho con ngủ, bài hát mà bông hoa rừng năm xưa vẫn từng hát như đang ai điệu tuổi thanh xuân của mình.
Mẹ cô vừa khóc vừa kể cho anh nghe về cuộc sống của cô trong suốt một năm qua, ngôi nhà lá tạm bợ này là cô đòi tự mình làm khi biết mình đã mang thai, mặc dù mọi người đã hết sức giúp đỡ và bà cũng chạy qua chạy lại chăm sóc cô nhưng bông hoa năm ấy dường như đã héo rũ đi sau khi kết quả, cũng may cô chăm sóc đứa bé tốt lắm, lớn rất nhanh và cũng rất ngoan ngoãn ai cũng bảo lớn lên đứa bé này nhất định sẽ lại là một bông hoa rừng xinh đẹp nhưng cô thì càng lúc càng gầy yếu, ít nói và cũng ít ăn. Có khách du lịch là bác sĩ đi qua đây nói cô bị trầm cảm, nếu không chữa trị thì bệnh tình sẽ ngày một nặng nề hơn, thậm chí là có thể sẽ bị bệnh tâm thần.
Gia đình khuyên cô để con lại cho người nhà chăm sóc mà đi chữa bệnh nhưng cô nhất định không chịu rời khỏi căn nhà này, ai cũng không biết nguyên nhân, gặng hỏi nhưng cô nhất định không chịu trả lời.
Đã một tháng nay, dân làng thấy đêm nào anh cũng ngồi ở khoảng sân rộng trước căn nhà lụp xụp của cô nghe tiếng suối chảy, tiếng guồng nước quay cho đến tận khuya mới trở về. Chuyện của anh không phải chỉ có dân làng biết mà cả những làng bên cũng biết, thậm chí là nghe nói cũng đã có đồng nghiệp của anh viết về anh; do vậy cũng không ai dị nghị hay nói ra nói vào điều gì, về cơ bản nơi ở nơi này tình người vẫn ấm áp hơn nhiều lắm.
Sức khỏe của trưởng bản ngày một yếu đi, khi ông ra đi ông chỉ kịp thều thào căn dặn anh một hai câu, căn bản anh cũng không biết ông nói cái gì nhưng anh hiểu, mọi người trong bản cũng hiểu.
Đám tang của trưởng bản xong xuôi thì cũng là lúc anh dựng nhà, ở đây chỉ khi nào người đàn ông lập gia đình, lấy vợ đẻ con thì mới làm nhà riêng cho mình, căn nhà được dựng trên nền của túp lều nơi cuối bản nhưng không phải được làm bằng bê tông mà làm bằng những cây gỗ do chính tay anh cùng thanh niên trai tráng trong bản mang về tận nơi rừng sâu, đây cũng là một tập tục chưa được đăng báo của bản: dựng nhà cho trưởng bản, để thể hiện sự tôn kính của mình và tinh thần đoàn kết của cả làng.
Thiếu phụ trầm cảm vẫn ngày ngày địu con xem cả làng đang dựng nhà, người ta nghe thấy tiếng hát ru của nàng dường như to hơn, rõ hơn. Đứa bé nằm sau lưng mẹ lúc nào cũng nhe lợi cười hớn hở, tròn xoe đôi mắt nâu tò mò nhìn mọi người đang bận rộn đi qua đi lại.
Bài báo lồng trong khung kính đã được anh mang về treo ở một góc của bức tường, hội mùa cũng đã được anh điều chỉnh lại một năm một lần và cũng là mùa du khách đến đông nhất trong năm. Có một lần anh vô tình đọc được có một người bạn của mình viết một câu chuyện về một nhà văn trẻ quy ẩn nơi miền sơn cước cùng với bản làng thân yêu và bông hoa rừng của mình mà mỉm cười thật tươi anh còn đặc ý gọi điện xuống đòi bạn khao nhuận bút.
Tối đến anh tham gia công tác dạy thêm xóa mù ở nhà văn hóa, ai cũng có thể đến học mà không phải mất tiền, anh dự tính chỉ cần một vài năm là cả làng không còn ai mù chữ.
Ngôi nhà gỗ của anh ngày ngày vang lên tiếng mẹ dạy con tập nói bằng tiếng địa phương và sáng ra người ta nghe thấy tiếng hát trong vắt cất lên từ ấy, tiếng hát hòa vào với tiếng suối róc rách vang xa… vang xa như ca ngợi một bông hoa, bông hoa của núi rừng vẫn kiêu ngạo dưới ánh dương buổi sớm.
…
Ngố Tiên