Chuyện kể rằng thời ấy có người qua sông. Dòng sông thì chảy xiết nhưng không có một con thuyền nào. May thay, trên khúc sông ấy có một con rùa thần vẫn làm công việc đưa người qua sông hàng ngày. Rùa đưa người qua sông và không quên dặn người một việc đó là hãy hỏi dùm rùa tại sao nó đưa người qua sông đã ngàn năm, công đức đã viên mãn mà chưa thể nào hóa rồng? Người đồng ý với rùa và hẹn khi trở về, nếu hỏi được câu trả lời thì sẽ nói cho nó. Và rồi, khi người trở về cũng qua khúc sông ấy, gặp rùa người nói: “Từ khi sinh ra người đã ngậm một viên ngọc quý, bây giờ ngươi hãy bỏ viên ngọc ấy đi thì mới có thể hóa rồng”. Rùa nghe xong tỉnh ngộ, nhả ngọc ra tặng người và hóa thành rồng bay về trời.
Câu chuyện trên là một mô típ vô cùng quen thuộc ở xứ sở Á Đông, nơi mà khát khao “hóa rồng” luôn thường trực trong tâm thức của mỗi con người. Nhưng ý nghĩa ẩn dấu đằng sau câu chuyện ấy thì sao? Viên ngọc mà rùa cho rằng nó vô cùng quý báu ấy lại là tác nhân khiến cho nó không thể nào thành rồng trong cả ngàn năm và khi buông ngọc ra, rùa đã thoát thai, đã siêu thoát lên một tầng cao mới và đỉnh điểm đó chính là hóa thành rồng, được thỏa nguyện cái khát khao tột bậc trong suốt cuộc đời ngàn năm.
Và trong số chúng ta đang ngồi đây, có ai vẫn còn đang ngậm khư khư một viên ngọc mà mình cho rằng nó vô cùng quý giá để rồi bỏ qua cơ hội vươn đến những khát khao mà mình đã cố gắng bấy lâu nay? Tôi thì cho rằng, những điều mình nghĩ là tốt với bản thân thì thực ra nó chưa hẳn đã tốt với chính bản thân mình. Và điều quan trọng nhất vẫn là một niềm tin. Rùa thần có thể sống đến hàng ngàn năm, hàng vạn năm nhưng nó vẫn kiên trì làm một công việc thấp hèn để vươn lên một hình hài cao quý hơn, siêu thoát hơn. Đó chính là niềm tin mãnh liệt của rùa. Ngoài ra nó còn có niềm tin với người khác, điều gì sẽ xảy ra khi mà rùa nhả ngọc mà không biến thành rồng? Người ta nói thế là muốn lừa lấy viên ngọc báu của rùa thì sao?
Trong các mệnh đề ấy; để có được niềm tin vào điều mình làm, có niềm tin vào thế nhân và có đủ trí tuệ để phân biệt đúng sai, đủ trí tuệ để có thể “tỉnh ngộ”… là những mệnh đề vô cùng khó khăn, không ai có thể dám chắc rằng mình có đủ kiên định, đủ trí tuệ để có thể ứng biến hay bất biến trước những cuộn sóng bể dâu của cuộc đời.
Một câu chuyện nhỏ hoang đường nhưng ẩn trong nó là trí tuệ của cổ nhân được lắng đọng lại qua thời gian. Nó dạy cho chúng ta nhiều hơn là một câu chuyện giải trí. Riêng tôi, thấy trong chuyện này, ngoài lòng kiên định, niềm tin yêu với thế nhân, trí tuệ để phân biệt đúng sai và hiểu rõ bản thân mình ra thì còn có một điều rất quan trọng đó là “dũng khí” và sự “buông bỏ”. Hai điều này liên quan chặt chẽ với nhau. Có biết bao người trong số chúng ta biết rõ một điều rằng thứ quý giá đối với mình ấy nếu bỏ đi thì tốt hơn nhưng lại không có đủ dũng khí để buông bỏ? Vậy đấy, đôi khi, người ta sẽ chấp nhận cái thực tại không lấy gì làm dễ chịu và ôm khư khư lấy một thứ gì đó cho rằng quý giá nhưng vô dụng và rồi than thân oán trời là tại sao lại không thế này, tại sao không thế kia? Điều này cũng khá giống với phần cuối cùng trong câu chuyện nổi tiếng cổ kim của Ngô Thừa Ân là tác phẩm “Tây du ký”. Khi vượt qua bao nhiêu kiếp nạn để đến được kho kinh Phật tại tây phương, nhưng cố gắng là cố gắng, kiếp nạn là kiếp nạn, để có thể mang kinh về Đường Tăng phải trả bằng cái bát vàng. Rõ ràng cái bát ấy vô cùng quý báu đối với Huyền Trang vì nó là quà của người anh kết nghĩa – Vua Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) tặng trước khi lên đường thỉnh kinh (Truyện của họ Ngô chém gió thế chứ thực ra Lý Thế Dân lên ngôi đã cấm các tăng chúng du hành sang Ấn Độ). Quý báu là thế nhưng để lấy được chân kinh Huyền Trang đã bỏ ngoài tai lời gợi ý của Ngộ Không là sẽ tâu lên Phật Tổ mà dâng bát, đổi kinh. Thế đấy, người có trí tuệ, có niềm tin, có dũng khí sẽ biết chính xác được cái gì có thể cần buông bỏ và có thể buông bỏ.
Tôi có thói quen suy nghĩ tào lao, viết cũng tào lao cho nên chẳng có mong muốn hóa rồng hóa phượng gì được. Lúc nào cũng ôm khư khư lấy những luận điểm của riêng mình mà chưa bao giờ có khái niệm “buông bỏ” và cũng không dám khảng định rằng nó có quý giá nữa hay không? Vì vậy, nếu bạn còn đang buồn rằng mình chưa hóa rồng thì hãy yên tâm đi, trước hết bạn cần phải có ngọc để mà ngậm đã rồi hãy nghĩ đến những cái cao hơn. Còn nếu không thì hay rủ tôi đi uống café, chuyện nhân sinh gì gì đó hãy dẹp sang một bên. Mình có sống được ngàn năm đâu mà lo lắng để làm gì?
Ngố Tiên
(Photo: Samlim)