Nhân đây em cũng nói luôn, có bác thắc mắc là sao em không kể cái chuyện gì nó to tát vào một chút. Hoặc chí ít thì cũng phải phiếm phiếm tình gì gì đó chứ cứ kể chuyện cái cốc xong giờ lại chuyện cái bát thì có chó nó nghe. Em nghe thế, ngẫm đi ngẫm lại cũng thấy đúng cơ mà lại nghĩ không biết đặt cái tên là chuyện gì cho hay. Bao nhiêu là cái hoa mỹ thì mình không đến lượt, thôi thì cứ chân chân phương phương vậy vậy. Mà thực ra thì cũng có cái lý của nó.
Lý do đó là do nhà em hai lúa, à quên, là ba lúa. Ko tin à, này nhé, em đếm nhé! Cụ em làm nông, ông nội e cũng làm nông, bố em suýt nữa là làm nông, em thì không làm nông cơ mà lại chuyển sang làm… trâu – dù sao thì cũng đều phải cày bừa cả. Nhiều lúc cũng cám cảnh cho cái thân của mình, giá như trâu cái thì ăn cỏ còn vắt được ra sữa, mình là đực thì chỉ có ăn rồi đái… à mà thôi.
Nói vòng vo thế để các bác không phải thắc mắc nhiều. Chứ nhà mình mấy đời chỉ có bông lúa củ khoai thế nên cũng chả có cái chuyện gì nó dao to búa lớn cả. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là chuyện cái cốc, cái chén, cái hũ, cái vòi, cái thớt cái mông… thế nên hôm nay mình kể chuyện cái bát. Đấy, mở đầu có bông lúa củ khoai thôi mà cũng mất mẹ nó đến trăm chữ chứ ít gì? Ai bảo nông dân thì ít chữ?
Chuyện cái bát ấy mà, thì nhà ai mà chả có. Nhà mình thì hơi khác vì nó không lành lặn, toàn mẻ ít nhất là một miếng. Các bác có thể tưởng tượng thế này: giá inox sáng loáng, đũa gỗ mun đen nhánh bát cũng thanh thấu dễ nhìn. Cơ mà sờ đến cái nào cũng thấy nó… mẻ. Nói nguyên do thì không phải là nhà mình thiếu bát ăn hay do vụng về mà làm mẻ. Nó có nguồn cơn sâu xa lắm lắm.
Số là nhà mình trong một năm, công công việc việc, cúng cúng tế tế đến là nhiều. Lại còn đông con lắm cháu cho nên các loại mâm bát làm cỗ bàn cứ phải sắm đủ đến gần chục bộ. Ấy, nhiều thế cơ mà chứ có ít ỏi gì đâu? Mình thì không thích nhiều bát lắm vì mỗi lần công chuyện xong, tuy chẳng phải rửa bát nhưng mà cái việc bê lên bê xuống, xếp vào xếp ra cũng đến nhọc nhọc là.
Được cái mình cũng chỉ là cái chân lon ton cho bà nội. Trước mỗi bận có việc to là bà lại hô mình bê hết bát ra cho bà coi. Việc xong, bát phơi ngoài sân, ai về nhà nấy cả bà lại hô mình bê bát vào cho bà cất. Mỗi lần thế bà lại ngồi sắp từng chiếc một. Vừa sắp vừa kể chuyện mình nghe.
“Đây là chục bát cô tiên ông mày mua đấy! Cả mấy cái đĩa này nữa. Khổ, chẳng có tiền mà mua, mỗi lần đi lại gặp rẻ mua lấy một chục với lại dăm chiếc, thành ra đến những mấy mươi loại thế này.”
Những mấy mươi loại cơ mà bà mặc dù đã 80 tuổi nhưng vẫn nhớ mỗi loại có bao nhiêu chiếc, ông mua từ lúc nào, vỡ bao nhiêu chiếc, mất bao nhiêu chiếc, còn lại bao nhiêu chiếc? Rồi bà lại tấm tắc.
“Đấy, của ông mày mua vừa thanh thấu, đẹp mà lại bền. Cái bát chú mày mua đây này, vừa to như cái thuyền mà lại còn méo nữa, tao chả ưng cái gì”.
“Bà ơi, bát chú mua là bát Nhật đấy”
“Nhật cái gì, cứ đồ ta mà dùng, Nhật mà đã tốt à?”
Nhưng đồ ông mua là bát loại rẻ, nhập từ Trung Quốc. Mình biết thế nhưng chỉ ngẫm trong bụng. Với bà thì cứ đồ ông mua thì là tốt, là đẹp. Nếu nó không tốt tức là do người sử dụng không biết cách dùng.
Đấy là bát, thậm chí đến đũa cũng có chuyện để kể: “Đấy! bố mày mang về được chục đôi đũa mun vót bằng tay, xiên xiên xeo xẹo, mất dần đi cả rồi, còn có vài chiếc đây này. Người mất thì của cũng chẳng còn”. “Cái đũa kim giao này cũng thế, quý lắm đấy nhé, mang ra ăn rồi cứ vứt dần vứt mòn đi. Mà cũng lạ, ngày xưa còn có cầu ao thì còn mất được, giờ thì sao mà lại mất được cơ chứ?”
Mình chỉ đóng vai trò “bạn nghe đài” vì lần nào bà cũng nói chừng ấy chuyện, kể chừng ấy chi tiết. Mình cũng thuộc dần dần. Có bận, cạnh mấy rổ bát là cái hòm đựng đồ nghề cắt tóc của ông. Bà lại chặc lưỡi: “Đấy, đồ cắt tóc đấy, của cụ để lại cho ông mày, đến giờ chả truyền cho ai được nữa. Thôi để đấy mà làm kỷ niệm”.
Đụng đến hòm cắt tóc còn đỡ. Đụng đến cái hộp khác nữa là mình lại đau đầu. Đó là cái hộp “hồi môn” của bà dành cho mình. Cái hộp giấy ấy đựng vài cái nồi inox, chẳng biết từ hồi nào, hình như là từ khi ông mới mất. Bà tích cóp được từ các đồ khuyến mãi hay mua đâu đấy. Phận sự cuối cùng của cái hộp đó là để khi mình lấy vợ, bà sẽ tặng nó cho mình, đặng có cái mà ăn riêng. Nồi chả quý nhưng với bà thì làm gì đi chăng nữa cứ no bụng trước đã, rồi mới lo những cái khác sau. Thế nên mới có chuyện dành cho cái nồi. Nếu sau này nhỡ may mà mình có con cái, khi chúng nó có lập gia đình mình cũng sẽ mua nồi tặng chúng. Giống như bà làm thế với mình.
Tính mình lại chẳng hợp với bà. Cứ xa thơm gần thối, dăm ngày mà ở nhà là y rằng ra bị mắng một câu, vào bị mắng thêm một tiếng. Nhưng có đận bà còn ở nhà, mình thi thoảng mới về, biết mình không thích ngủ cùng bà lại lên gác quét dọn phòng cho mình, mặc dù mình chỉ ngủ ở đấy có một đến hai đêm.
Trở lại câu chuyện cái bát. Mỗi lần sắp bát vào để cất đi cho lần công việc tiếp theo thì bà lại nhặt những cái bát, cái đĩa xấu và bị… mẻ để mang ra nhà dùng. Lý luận của bà là dùng mấy cái bát này nếu nhỡ có vỡ hay mất đâu đấy cũng đỡ tiếc. Đỡ thôi nhé, nếu nhỡ mà vỡ thật thì vẫn cứ tiếc, cứ xuýt xoa. Mà nếu mình có làm vỡ thì chắc chắn là bị ăn chửi.
Rồi khi bà chẳng ở nhà nữa, bát được thay bởi những cái đẹp hơn, xịn và dĩ nhiên là lành lặn. Và mỗi lần ăn cơm mình lại cứ nghĩ về những cái bát mẻ trước đây. Chẳng phải mình tiếc bát hay là thế nào. Chỉ là nhơ nhớ một chút thôi.
Đã từng lúc nào đó, khi sắp bát và khi xới cơm biết mình không thích ăn bát mẻ bà để cho mình một cái bát lành: “Đây! Cái này lành đây này. Bát mẻ thì đã làm sao?” Và tôi lúc ấy đã ngấp nghé tuổi ba mươi vẫn cứ lý luận cho việc không thích ăn bát mẻ với bà: “Ăn bát mẻ, nhỡ sứt mồm thì làm sao hở bà?”
Ngố Tiên
photo: Samlim