Ngày tôi còn nhỏ, nhà thì lắm công lắm việc, cứ thi thoảng lại giỗ chạp gì đó, có cái nhỏ, có cái to. Mỗi lần thế bà cháu lại mệt với cái đống mâm, đống bát, cỗ bàn lỉnh kỉnh. Thi thoảng có bận vừa xong lần giỗ bà chẹp miệng dặn: “sau này tao có chết thì chúng mày cứ cúng bát cơm quả trứng là xong! Đừng cỗ bàn gì cho mệt, chết là hết!”. Tôi hồi đấy còn nhỏ nhưng được cái nhớ dai, nên đôi lúc vẫn thấy được sự mệt mỏi của bà ở trong lời dặn ấy. Nói là nói thế, nhưng rồi sau này tôi mới biết, giỗ không phải cho người đã khuất mà chính là cho người còn đương ở lại.
Ông ra đi đột ngột, chẳng bệnh chẳng tai, cứ thế mà đi, còn lại mỗi mình bà. Rồi thì từ ấy các giỗ chạp trong nhà bà cũng cố gắng đơn giản được chừng nào hay chừng ấy, lễ gần thì mâm cơm, lễ xa thì chút lễ lạp, bát cơm quả trứng, gọi là tưởng nhớ. Nhưng với giỗ của ông thì khác hẳn hoàn toàn. Giỗ ông vào ngày mùng 6 tết nhưng sự chuẩn bị của bà phải trước đấy cả tháng trời, trước cả việc lo ăn tết. Từ chuyện bàn với con cháu làm bao nhiêu mâm, có bao nhiêu người cho đến việc mua để dành tiền vàng mã (đốt cho ông có cái ông tiêu), rồi thì để con gà này.. con gà này .. lại đừng ăn tết hết… Trong những ngày ấy câu nói được bà lặp đi lặp lại nhiều nhất là “để lại giỗ ông”, có khi nhắc nhiều quá, các chú tôi gắt “bà cứ để dành thế làm gì, giỗ thì có cái của giỗ chứ có thiếu đâu”…
Trước giỗ hai ngày bà chọn sẵn những đồ dùng cần cho cỗ bàn, nào là bát đĩa, nào là xoong nồi, nào là rổ rá… mang cả ra, lau rửa, sắp xếp lại, để gọn thức nào ra thức nấy. Có khi cả ngày chẳng thấy bà đâu nhưng cũng không hoảng bởi vì trên nhà thờ cứ thi thoảng có tiếng bà lách cách xếp bát đĩa. Rồi trước khi giỗ một ngày bà thường sai tôi (vì tôi bé nhất trong nhà) bê chừng ấy thúng bát đĩa từ trên tầng xuống, rồi thì xoong nồi, chảo, rổ rá… thành ra tôi thì thấy mệt bỏ xừ đi được ấy, nhưng mà chậm trễ chưa bê là chốc chốc bà lại nhắc, tôi lại chần chừ xem có ai đến không để… nhờ bê hộ (thường thì cũng bắt được mấy đứa em). Ngày giỗ thì phải to, phải đầy đủ con cháu (sáu bảy mâm gì đấy), đứa nào không đến là bà không vui, thậm chí có năm nghỉ tết ít bà phải làm giỗ sớm một ngày để con cháu đủ mặt. Giỗ xong, bà lại bắt tôi (hoặc tôi bắt mấy đứa em) bê bát đũa lên sân thượng phơi. Phơi xong bà lại nhặt từng cái, bọc giấy lại, xếp vào thùng xốp, cất đi sang năm lại có cái mà dùng. Thường thường tôi cũng hay phụ bà làm những việc ấy. Bà thì vừa làm vừa cẩn thận nhắc “cái này ông mày mua đấy, được 15 chiếc chứ chả được 2 chục vỡ mất 3 cái rồi, còn có 12 cái”, “cái cô tiên này có 6 cái thôi nhưng đẹp”, “đấy, bát ông mày mua nó tròn trịa, chắc chắn thế này cơ mà, chúng mày cứ đập vỡ hết đi thì sau này lấy cái gì mà dùng”, “tao ưng cái loại bát này này, nó mới ra cái bát (bát ông mua), chứ cái bát này như cái thuyền ấy, chả xếp được vào với nhau (bát chú tôi mua sau này góp vào bộ đồ cúng tế), rồi bà chặc lưỡi “khổ, ngày xưa nghèo, chẳng có tiền mà mua đủ bộ mâm bát, ông mày cứ mua dần mấy cái một thành ra giờ mấy mươi loại”, thế mà bà nhớ rành mạch từng loại, từng chiếc, có bao nhiêu chiếc, vỡ bao nhiêu chiếc…. Tôi thì thậm chí còn thấy được trong đống đồ lỉnh kỉnh ấy cái nuôi múc canh từ thời xa xưa khi tôi còn nhỏ, thấy được đôi cọc tre ông vót dùng để gói giò mỡ hàng năm (nhớ được là vì tôi đi tìm mấy cái tre cho ông vót), thấy được cái cốc pha lê duy nhất còn sót lại mà xưa ông hay dùng để uống riệu…
Đấy, chừng ấy ngày đều là ngày giỗ, chừng ấy ngày bà đều chuẩn bị, hồi tưởng lại từng kỷ vật của ông mà bây giờ có thể dùng để lo cho ông, sửa soạn chúng như thể sửa soạn lại những gì đã diễn ra trong quá khứ, kẻo lại rồi quên mất. Cứ vậy, năm tháng rồi lại tháng năm, bà chuẩn bị cho ông chín hay mười năm gì đó tôi không nhớ rõ (vì tôi hay bị mơ hồ trước khái niệm thời gian).
Rồi bà yếu đi, không thể tự tay lo cho ngày giỗ của ông nữa mà chỉ có thể ngồi một chỗ nhìn con cháu làm. Mặc dù con cháu đến rất đông, ai cũng vui vẻ hòa thuận để bà không phải phiền lòng nhưng tôi thì thấy bà ngồi cười mà buồn quá! Năm tháng nào có buông tha một ai đâu?
Có nhẽ trên thế gian này tình cảm thiêng liêng và bền chặt nhất không phải là tình máu mủ ruột rà mà là cái nghĩa vợ chồng, cái nghĩa mà đưa hai con người xa lạ đến với nhau rồi gắn bó với nhau cho đến khi còn có thể, mặc dù âm dương đôi ngả.
Riêng tôi, thi thoảng vẫn mơ mình trở lại thời con trẻ. Hồi ấy ông lót cái bao xác rắn lên thành xe, đặt tôi ngồi lên rồi giữ cho tôi tập, từ sân ra đến ngõ rồi từ ngõ vào sân. Sáng ra, tôi tỉnh dậy, vẫn thấy mình như đang ngồi trên chiếc xe đạp to lớn mà vững vàng ấy, hình như còn có cả mùi rơm khô nữa, phảng phất ở đâu đây đấy thôi. Ừ, chắc chắn rồi! Chỉ mới hôm qua đây chứ đâu mà đã quên sao được?
………..
#ngotienwrite
Photo: Samlim