Trong một lần tuần du về Giang Nam, hoàng đế Càn Long đến thăm chùa Kim Sơn, từ trên đỉnh núi nhìn xuống dòng Trường Giang đang cuồn cuộn chảy ngài hỏi cao tăng Pháp Bàn: “thầy có biết bao nhiêu con thuyền đang xuôi ngược trên dòng sông này không?” Pháp Bàn trầm ngâm một lát rồi trả lời: “chỉ có hai con thuyền đi lại trên dòng Trường Giang này thôi!”. Càn Long hỏi lại: “sao thầy lại nói vậy?”. Pháp Bàn đáp: “Hàng ngày, trên dòng Trường Giang này chỉ có hai con thuyền xuôi ngược, một chiếc là Danh và một chiếc là Lợi”.
….
Câu chuyện trên đã trở thành giai thoại, thành giọt mưa thấm vào tư tưởng của không biết bao người nghiền ngẫm cái gọi là “vị nhân sinh”. Ta cũng chẳng may đọc được, và rồi để lại nhiều những băn khoăn. Hai con người đứng trên tột đỉnh của danh và lợi, đứng đầu trong thế tục và tôn giáo nên họ có khả năng đánh giá nhân sinh, thâu tóm lại những quy luật vận chuyển của xã hội. Nếu nói trong một mức độ nào đó, họ là những người “siêu thoát”, chí ít họ siêu thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của nhân gian với hai từ “đói – no”.
Kẻ sĩ xưa chẳng vì ba đấu gạo mà chịu khom lưng. Ta ngày nay cũng muốn học theo, cũng chẳng nghĩ đến việc phải khom lưng để đạt được một cái gì đó nhiều hơn công sức mình đã làm. Cho nên ta cũng khó lòng mà siêu thoát được. Và rồi cũng như những sinh vật bé nhỏ khác, để có được một miếng cơm ăn ta phải lặn lội ngược xuôi như con kiến nhỏ… bôn ba; chân trần… bôn ba.
Đôi lúc ta cứ lắng nghe những âm thanh ầm ào ở ngoài kia, cách ta vài bước chân, hầu hết không có một thứ âm thanh nào của tự nhiên cả, chẳng có tiếng gió, tiếng nắng hay tiếng của một con chim nào mệt nhọc vừa nán lại. Chỉ có những tiếng chân vội vã, tiếng máy ồn ào, tiếng đục đẽo không khốc và ta thậm chí cũng chẳng nghe được tiếng thở của bản thân mình. Những lúc như vậy ta lại nghi ngờ, có phải ta đang “sống” hay không?
Hôm qua trời nổi gió giông, rồi trận mưa ào ạt ấy như muốn gột rửa cả những bụi bặm ngay trong tâm tưởng của ta. Và ta nhận ra rằng những âm thanh ầm ào ngoài kia vẫn vô cùng quyến luyến. Ta vẫn nghe thấy được, nhìn thấy được, cảm nhận được và vẫn cứ rung động trước những điều nhỏ bé. Thì ra, những âm thanh trần trụi và chát chúa vẫn mang cái vẻ đẹp của nó, hay chính xác hơn là chúng mang cái vẻ đẹp của chính bản thân ta.
Hôm rồi, đi ra ngoài khi trời nắng như đổ lửa, có cô bé bò lên trên đường để kiếm những đồng tiền từ những người hảo tâm – trong đó không có ta. Rồi khi đi qua một khu vực khác, có kẻ mặc tăng bào, người cũng toàn những tướng tốt cầm chuông, cầm mõ xin tiền của những người trên đường – trong đó cũng không có ta. Và ta cũng nhận ra rằng hình như mình đã tàn nhẫn hơn với chính mình một chút. Có gì đâu! ta cũng đang bôn ba đấy thôi.
Thời gian đang trôi, tâm tính của con người cũng đang trôi và bản thân của chính mình cũng sẽ trôi, tất cả rồi sẽ qua đi, sẽ để lại một dấu vết nào đó trong dòng thời gian nào đó, thậm chí còn chẳng thể bằng một hạt bụi. Chí ít, hạt bụi còn có thể vĩnh hằng cho đến ngày thời gian tan biến, nhưng ta thì không. Ta chỉ tồn tại trong cái vòng nho nhỏ của nhân sinh, của danh, của lợi, của đói, của no, của những bước chân trần lao xao vội vã, của một nụ cười và của những giọt mồ hôi. Có lẽ, khi ta tồn tại nơi này, thời gian cũng ngừng trôi.
………
Vừa đọc được bài thơ của người xưa, thấy đẹp:
“Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt,
Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết.
Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu,
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết.”